TỔNG LIÊN ĐOÀN
LAO ĐỘNG VIỆT NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 03a/NQ-TLĐ
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 02 năm 2014
|
NGHỊ QUYẾT
HỘI NGHỊ LẦN THỨ BA
BAN CHẤP HÀNH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM KHÓA XI
VỀ NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG KHU CÔNG
NGHIỆP, KHU CHẾ XUẤT
I. TÌNH HÌNH ĐỜI SỐNG
VĂN HÓA TINH THẦN CÔNG NHÂN
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
và Nhà nước trong những năm qua, nhất là sau hơn 15 năm thực hiện Quy chế khu
công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo Nghị định số 36/CP ngày
24/4/1997 của Chính phủ, tính đến 20/11/2013, cả nước có 289 khu công nghiệp,
trong đó có 184 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và đã thể hiện được vai trò
của mình đối với sự phát triển bền vững trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp
hóa - hiện đại hóa đất nước. Theo số liệu năm 2012, các doanh nghiệp có vốn đầu
tư nước ngoài đóng góp cho ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng. Hiện tại cả nước có
44 công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên địa bàn 41 tỉnh, thành phố
với tổng số 3.742 công đoàn cơ sở, hơn 1,6 triệu lao động, trong đó có hơn
1,074 triệu đoàn viên.
Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số
20 Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng
giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước”, đoàn viên, CNVCLĐ ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, tin
tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; cần
cù lao động, có lối sống giản dị, lành mạnh, có ý chí vươn lên trong học tập
nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, yên tâm làm việc, gắn
bó với doanh nghiệp; tham gia tích cực các hoạt động văn hóa tinh thần; công
tác xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp, bước đầu được
các địa phương, doanh nghiệp quan tâm. Đến nay, cả nước đã có 27 Nhà văn hóa
lao động cấp tỉnh; hơn 20 Nhà văn hóa lao động cấp huyện; trên 100 Nhà văn hóa
công nhân lao động trong các doanh nghiệp; gần 2.000 đội văn nghệ quần chúng của
công nhân.
Bên cạnh những kết quả đạt được cũng
còn những tồn tại như: Tác phong công nghiệp trong công nhân lao động còn nhiều
hạn chế; điều kiện sinh hoạt văn hóa, thể thao của công nhân còn thiếu thốn; mức
thụ hưởng về văn hóa của công nhân rất thấp; môi trường văn hóa ở nhiều nơi
chưa lành mạnh;
Theo số liệu báo cáo và qua khảo sát
của các Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy tỷ
lệ doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho công
nhân ở các khu công nghiệp chưa cao, chỉ có 28% doanh nghiệp tổ chức các cuộc
giao lưu, liên hoan nghệ thuật hội diễn văn nghệ; 31% doanh nghiệp tổ chức luyện
tập, thi đấu thể thao; 49% doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật;
29% doanh nghiệp tổ chức tham quan du lịch; 21% doanh nghiệp duy trì hoạt động
của các câu lạc bộ theo sở thích; vì thế trong thời gian qua đã xuất hiện những
vấn đề đáng lo ngại của công nhân ở các khu công nghiệp, như tình trạng công
nhân lao động chưa yên tâm làm việc lâu dài, gắn bó với doanh nghiệp, di chuyển
lao động giữa các doanh nghiệp lên tới 20 - 40%. Thiếu trầm trọng cơ sở vật chất
dành cho nuôi dạy, giáo dục con CNLĐ và thiết chế văn hóa để hoạt động nâng cao
đời sống văn hóa tinh thần của CNLĐ khu công nghiệp, khu chế xuất và cụm công
nghiệp. Đại bộ phận công nhân lao động ở các khu nhà trọ chưa có nhiều các
phương tiện văn hóa cần thiết về nghe, nhìn, sách báo, điều kiện sinh hoạt văn
hóa.
Nguyên nhân do chính sách đầu tư cho
khu công nghiệp chưa đầy đủ, hầu hết các khu công nghiệp chưa có quy hoạch về
xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng xã hội và các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân
lao động. Hệ thống thiết chế văn hóa của Công đoàn chưa được Nhà nước đầu tư
kinh phí thường xuyên nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Các hoạt
động văn hóa, thể thao do các cấp Công đoàn chưa tổ chức đa dạng.
Từ tình hình trên, tổ chức Công đoàn
cần đề cao vai trò của mình trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của
đoàn viên, công nhân lao động, đặc biệt ở khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập
trung đông công nhân lao động.
II. QUAN ĐIỂM, MỤC
TIÊU
1. Quan điểm
Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho
công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất là trách nhiệm của cả hệ
thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn, sự hỗ trợ
của Nhà nước; của các cấp chính quyền và sự phối hợp của các ngành, đoàn thể
liên quan; vai trò chủ thể của công nhân lao động, của người sử dụng lao động.
2. Mục tiêu
Xây dựng và nâng cao hiệu quả của các
hoạt động văn hóa, thể thao của tổ chức Công đoàn, góp phần xây dựng môi trường
văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ;
xây dựng đội ngũ công nhân lao động có đời sống văn hóa phong phú, có sức khỏe
tốt, có kỹ năng nghề nghiệp, có tác phong công nghiệp, lao động có năng suất,
chất lượng và hiệu quả.
3. Một số chỉ tiêu phấn đấu.
a, Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015:
- 70% công nhân ở các khu công nghiệp
được Công đoàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật;
- Thu hút 50% công nhân ở các khu
công nghiệp tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao;
- Xác định được tỷ lệ xây dựng thiết
chế văn hóa ở Công đoàn cơ sở, Công đoàn Khu công nghiệp, Công đoàn cấp trên trực
tiếp.
b, Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020:
- 90% công nhân ở các khu công nghiệp,
khu chế xuất được tuyên truyền, phổ biến pháp luật;
- Thu hút trên 70% công nhân ở các
khu công nghiệp, khu chế xuất tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao do Công
đoàn tổ chức.
III. NHIỆM VỤ VÀ
GIẢI PHÁP
1. Tuyên truyền,
phổ biến pháp luật, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh
- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền
cho công nhân lao động về chính sách pháp luật, nếp sống văn hóa lành mạnh, tại
doanh nghiệp và nơi ở của công nhân lao động theo tinh thần Nghị quyết Trung
ương 5 (khóa VIII) “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm
đà bản sắc dân tộc”.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ công
đoàn và công nhân lao động về xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh; kỹ năng tổ
chức các hoạt động văn hóa thể thao ở cơ sở cho cán bộ công đoàn các cấp; phát
động phong trào thi đua học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, phong
trào người tốt việc tốt trong công nhân lao động; tổ chức tìm hiểu pháp luật,
văn hóa, kiến thức xã hội; tiếp tục nhân rộng mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ
công nhân.
- Tổ chức, phối hợp tổ chức các hoạt
động xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tác phong lao động công nghiệp, nếp sống
văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trong công nhân, góp phần xây dựng
người công nhân có lập trường, tư tưởng vững vàng; có ý chí vượt khó, vươn lên,
lập thân, lập nghiệp; tích cực tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, không mắc
các tệ nạn xã hội; chấp hành nghiêm pháp luật, nội quy, quy định của doanh nghiệp
và địa phương nơi cư trú; tích cực học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chính trị,
chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp.
- Tăng cường học hỏi, trao đổi kinh
nghiệm cho cán bộ công đoàn cơ sở và công nhân lao động tiêu biểu; Tôn vinh những
tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng đời sống văn hóa.
2. Phát triển
phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho công nhân lao động.
- Khảo sát đánh giá thực trạng và nhu
cầu về đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động trong các khu công
nghiệp, khu chế xuất, trong đó chú trọng đánh giá sự hiểu biết về pháp luật và
ý thức chấp hành pháp luật, nội quy lao động, tác phong công nghiệp trong công
nhân lao động, nếp sống văn hóa; khảo sát các mô hình tổ chức, hoạt động văn
hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí... dành riêng cho công nhân lao động
hoặc có khả năng thu hút đông đảo công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu
chế xuất.
- Tổ chức hoạt động và hướng dẫn cơ sở
tổ chức hoạt động “Câu lạc bộ công nhân”, “Đội văn nghệ công nhân”; phát động
phong trào “Công nhân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Liên hoan,
Hội diễn nghệ thuật quần chúng, Hội thao công nhân lao động, các phong trào
“nghe công nhân hát, hát cho công nhân nghe”, các đội văn nghệ biểu diễn lưu động,
câu lạc bộ theo các sở thích.
- Rà soát, quy hoạch hệ thống thiết
chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2014-2018, định hướng đến năm 2030.
- Tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao
chất lượng và hiệu quả hoạt động Nhà Văn hóa Lao động của Công đoàn; chỉ đạo
Nhà Văn hóa Lao động xây dựng đề án đào tạo hạt nhân cho phong trào văn hóa ở
cơ sở; tăng cường các hoạt động phục vụ công nhân lao động ở các khu công nghiệp,
khu chế xuất.
3. Phối hợp triển
khai quy hoạch và xây dựng Đề án thí điểm thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ
công nhân giai đoạn 2013 - 2020, phần công đoàn đảm nhận.
Phối hợp với các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương (có khu công nghiệp) xây dựng mô hình thí điểm và phát triển hệ
thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân đến năm 2020; lập kế hoạch
triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa
thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số
2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng các dự án đầu
tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ công nhân theo từng giai đoạn.
4. Xây dựng
Chương trình phối hợp hoạt động giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành về xây dựng đời sống văn hóa tinh
thần của công nhân lao động ở khu công nghiệp, khu chế xuất.
Phối hợp trên cơ sở chức năng, nhiệm
vụ quản lý nhà nước và chức năng của tổ chức Công đoàn để tổ chức các hoạt động
xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cho công nhân, lao động ở khu công nghiệp, khu
chế xuất.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Tổng Liên
đoàn Lao động Việt Nam
- Chỉ đạo triển khai Nghị quyết tới
các cấp công đoàn; chỉ đạo các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn chủ động phối
hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện Nghị quyết; tăng cường
công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đời sống văn
hóa tinh thần của công nhân lao động.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương (có khu công nghiệp) triển khai quy hoạch hệ thống
thiết chế văn hóa cơ sở và đề xuất xây dựng mô hình thí điểm và phát triển hệ
thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân trong giai đoạn 2013-2015,
định hướng đến năm 2020, theo quy hoạch Đề án đã được Chính phủ quyết định.
- Ban Tài chính hướng dẫn các Liên
đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương xây dựng
dự toán và sử dụng kinh phí thực hiện Nghị quyết và quản lý sử dụng các nguồn
kinh phí thực hiện Nghị quyết theo quy định.
- Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo và các
Ban của Tổng Liên đoàn có liên quan hoàn thiện, sửa đổi bổ sung Quy chế tổ chức
bộ máy và hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động phù hợp tình hình mới, phù hợp với
quy định của các cơ quan Nhà nước.
- Ban Chính sách - Pháp luật, Viện
Công nhân và Công đoàn Tổng Liên đoàn nghiên cứu, cung cấp cơ sở lý luận và thực
tiễn đề xuất kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn cơ chế chính sách
trong việc thực hiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động
khu công nghiệp, khu chế xuất.
- Giao Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn
là bộ phận thường trực chủ trì, phối hợp với các Ban, đơn vị của Tổng Liên đoàn
tham mưu giúp Đoàn Chủ tịch chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai thực hiện Nghị
quyết; tổ chức kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực
hiện Nghị quyết trong phạm vi cả nước báo cáo Thường trực Đoàn Chủ tịch.
2. Liên đoàn
Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn Ngành Trung ương và tương đương.
- Xây dựng kế hoạch triển khai để thực
hiện Nghị quyết cho phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị, coi đó là một
tiêu chí để xét thi đua đối với các cấp Công đoàn;
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố, Thủ trưởng Bộ, ngành bố trí kinh phí hằng năm đầu tư, hỗ trợ xây dựng
thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân theo Quyết định 1780/QĐ-TTg ngày
12/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ;
- Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực
đầu tư, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bố trí thời gian, kinh phí
xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân khu công nghiệp, khu
chế xuất.
- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn
có đủ năng lực, tổ chức các phong trào thi đua trong công nhân lao động tổ chức
các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động khu
công nghiệp, khu chế xuất.
- Đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động,
xây dựng các mô hình hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công
nhân lao động theo đặc thù phù hợp với địa phương, ngành.
3. Công đoàn
khu công nghiệp, khu chế xuất
- Chỉ đạo Công đoàn cơ sở chủ động tổ
chức triển khai thực hiện Nghị quyết, đưa nội dung xây dựng đời sống văn hóa
công nhân vào thỏa ước lao động tập thể.
- Chỉ đạo các Công đoàn cơ sở trong
khu công nghiệp, khu chế xuất vận động người sử dụng lao động dành thời gian
kinh phí để công nhân có điều kiện tham gia và thụ hưởng văn hóa tinh thần, xây
dựng phòng truyền thống, điểm sinh hoạt văn hóa để công nhân được học và tìm hiểu
lịch sử, truyền thống của doanh nghiệp mình.
- Chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với
người sử dụng lao động, xây dựng các chương trình hội thao, hội diễn văn nghệ để
tạo điều kiện cho công nhân lao động tham gia. Lồng ghép tuyên truyền giáo dục
cho công nhân lao động rèn luyện tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật,
làm việc có năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của
doanh nghiệp.
Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn giao
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị quyết;
định kỳ tổ chức kiểm tra và sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình kết quả thực hiện
Nghị quyết và báo cáo với Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Nơi nhận:
- Các đ/c Ủy viên BCH TLĐ;
- Các LĐLĐ tỉnh, TP, CĐ ngành TW,
CĐ Tổng công ty trực thuộc TLĐ;
- Các ban, đơn vị trực thuộc TLĐ;
Đồng kính gửi:
- Ban Tuyên giáo TW, Ban Dân vận TW, Văn phòng CP;
- Các Bộ: VH, TT&DL, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, LĐTB&XH, Nội vụ ;
- Văn phòng Thường trực BCĐ Trung ương Phong trào TDĐKXD ĐSVH;
- Lưu: TG, VT TLĐ;
|
TM. BAN CHẤP
HÀNH
CHỦ TỊCH
Đặng Ngọc Tùng
|