Nghị quyết 03/HĐTP năm 1990 hướng dẫn áp dụng Quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (trích) do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 03/HĐTP
Ngày ban hành 19/10/1990
Ngày có hiệu lực 03/11/1990
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
Người ký ***
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 03/HĐTP

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 1990

 

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LỆNH THỦ TỤC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ (trích)

I. VỀ VIỆC BỊ ĐƠN TỪ CHỐI KHAI BÁO, CỐ TÌNH VẮNG MẶT KHÔNG CÓ LÝ DO CHÍNH ĐÁNG

Theo quy định tại khoản 3 Điều 20 của Pháp lệnh thì “các đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, thi hành quyết định, thực hiện yêu cầu của Tòa án, phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị Tòa án phạt tiền từ 20.000đ đến 50.000đ”

Pháp lệnh này không quy định việc áp giải đương sự cho nên Tòa án không có quyền yêu cầu áp giải bị đơn cố tình vắng mặt.

Đối với các trường hợp Tòa án đã triệu tập nhiều lần mà bị đơn không chịu đến trụ sở Tòa án để Tòa án lấy lời khai, hòa giải, thì Tòa án có thể phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã triệu tập họ đến trụ sở Ủy ban nhân dân để lấy lời khai, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân lấy lời khai hoặc trực tiếp đến nhà họ để lấy lời khai. Nếu đã làm như vậy mà vẫn không lấy được lời khai của bị đơn, thì Tòa án thu thập chứng cứ cần thiết từ các nguồn khác và phản ảnh rõ trong hồ sơ việc không lấy được lời khai của bị đơn. Sau đó Tòa án tự mình hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết giấy triệu tập phiên tòa tại trụ sở Ủy ban nhân dân và tại nơi ở của bị đơn. Nếu bị đơn triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn không đến phiên tòa, thì Tòa án xét xử vụ án vắng mặt của họ theo quy định tại khoản 3 Điều 48 của Pháp lệnh.

II. VỀ HÒA GIẢI

1. Theo Điều 5 của Pháp lệnh thì hòa giải là thủ tục bắt buộc, chỉ không hòa giải được hoặc hòa giải không thành thì mới đưa ra vụ án xét xử, trừ những trường hợp không phải hòa giải theo quy định tại Điều 43 của Pháp lệnh.

2. Khi các đương sự thỏa thuận với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án, thì Thẩm phán lập biên bản hòa giải thành, trong đó phải nêu rõ nội dung việc tranh chấp và những điều các đương sự đã thỏa thuận. Bản sao biên bản này gửi ngay cho Viện Kiểm sát cùng cấp, cho tổ chức xã hội đã khởi kiện vì lợi ích chung. Nếu trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà có đương sự thay đổi ý kiến hoặc Viện Kiểm sát, tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung phản đối sự thỏa thuận đó, thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử; nếu trong thời hạn đó (hay nói một cách khác là hết hạn 15 ngày đó) không có sự thay đổi ý kiến hoặc phản đối, thì Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay, nên các đương sự không có quyền kháng cáo quyết định này theo thủ tục phúc thẩm, mà chỉ có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Theo quy định tại Điều 40 Luật hôn nhân và gia đình thì hòa giải cũng là một thủ tục bắt buộc khi cả hai vợ chồng có đơn xin thuận tình ly hôn; do đó, nếu Tòa án đã hòa giải để hai bên đương sự về đoàn tụ với nhau nhưng họ vẫn kiên quyết xin ly hôn, thì Tòa án lập biên bản hòa giải đoàn tụ không thành, sau đó lập biên bản về sự thỏa thuận của các đương sự về thuận tình ly hôn, phân chia tài sản và nuôi con …. Việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc quyết định đưa ra xét xử trong các trường hợp này cũng được thực hiện theo hướng dẫn trên.

3. Trong trường hợp Tòa án đã tiến hành hòa giải mà các đương sự không thỏa thuận được với nhau thì Tòa án lập biên bản hòa giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, trừ trường hợp có căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án.

4. Ngoài việc đưa ra xét xử những việc không phải hòa giải (Điều 43), những việc hòa giải không thành, Tòa án đưa ra xét xử những việc như sau: bị đơn đã được triệu tập đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng (khoản 4 Điều 44) hoặc những trường hợp không có điều kiện tiến hành hòa giải như: có một bên đương sự ở nước ngoài, đang bị giam giữ hoặc những trở ngại khách quan như bị tai nạn, ốm đau … nên không thể có mặt được khi hòa giải.

5. Trước khi xét xử phúc thẩm, Tòa án cũng tiến hành hòa giải và các đương sự hòa giải được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Thẩm phán lập biên bản hòa giải thành. Việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm cũng được thực hiện theo hướng dẫn 2, 3, 4 của phần này.

Trong trường hợp tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Hội đồng xét xử ra ngay quyết định công nhận sự thỏa thuận đó.

III. VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH CÔNG DÂN MẤT TÍCH HOẶC ĐÃ CHẾT

1. Tòa án có thẩm quyền giải quyết loại việc này là Tòa án cấp huyện nơi thường trú của người khởi kiện hoặc nơi thường trú cuối cùng mà người khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định là mất tích hoặc đã chết.

2. Tòa án có thể xác định một người là mất tích, nếu đã quá hai năm hoặc có thể xác định một người đã chết nếu đã quá năm năm mà ở nơi đăng ký hộ khẩu thường trú cuối cùng (và ở nơi tạm trú thường xuyên cuối cùng nếu có) của người đó, không có tin tức gì về người đó.

Trong trường hợp không thể xác định được ngày nhận tin tức cuối cùng về người vắng mặt thì tính thời gian bắt đầu vắng mặt là ngày đầu của tháng tiếp sau tháng nhận được tin tức cuối cùng về người vắng mặt, còn trong trường hợp không thể xác định được tháng đó thì tính thời gian bắt đầu vắng mặt là ngày 1 tháng 1 năm tiếp sau đó.

3. Đối với những người có thể chết trong một tai nạn nhất định như bị lũ lụt cuốn trôi, bị đắm tàu, đi trên máy bay bị mất liên lạc v.v…. Nếu sau thời hạn sáu tháng từ ngày xảy ra tai nạn mà không có tin tức gì chứng tỏ là người đó còn sống, thì Tòa án xác định là người đó đã chết vào ngày xảy ra tai nạn đó.

4. Khi nhận được đơn khởi kiện của đương sự Tòa án yêu cầu đương sự đến cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình của tỉnh và Trung ương nhắn tin tìm người vắng mặt và lấy xác nhận của cơ quan đó về việc đã nhắn tin tìm người vắng mặt nộp cho Tòa án thụ lý vụ án. Tòa án cũng có quyền yêu cầu người khởi kiện nộp tiền tạm ứng cho việc thông báo tìm người vắng mặt trên báo chí, đài phát thanh, đài vô tuyến truyền hình của tỉnh và của Trung ương, để Tòa án thụ lý vụ án và thông báo tìm người vắng mặt. Người khởi kiện phải chịu án phí và phí tổn về việc thông báo tìm người vắng mặt. Trong thông báo phải nêu rõ họ, tên, đặc điểm nhân dạng, nơi cư trú, làm việc cuối cùng của người vắng mặt, thời gian bắt đầu vắng mặt, v.v… để bất cứ ai biết về người đó cũng có thể cung cấp tin cho Tòa án. Thông báo cùng được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân nơi người vắng mặt cư trú, làm việc cuối cùng. Trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày nhắn tin hoặc thông báo mà người vắng mặt không trình diện và không có tin tức gì về người đó thì Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, trừ trường hợp có căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án. Nếu có tin tức về người vắng mặt, thì Tòa án yêu cầu người khởi kiện rút đơn khởi kiện và ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, nếu đương sự không rút đơn khởi kiện thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử để bác bỏ yêu cầu của họ.

5. Đối với loại việc này Tòa án không phải hòa giải mà phải xét xử tại phiên tòa công khai, Tòa án phải yêu cầu Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa. Tòa án triệu tập những người có lợi ích liên quan đến người không có tin tức để nghe ý kiến của họ. Hội đồng xét xử ra bản án xác định là người đó mất tích và trích lục bản án sơ thẩm cũng phải được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân, cơ quan, tổ chức nơi người bị tuyên bố là mất tích cư trú, làm việc cuối cùng. Sau thời hạn một năm kể từ ngày bản án của Tòa án xác định một người là mất tích có hiệu lực pháp luật, nếu vẫn không có tin tức chứng tỏ người đó còn sống thì người có lợi ích liên quan đến người đó có quyền yêu cầu Tòa án xác định người đó đã chết.

6. Trình tự tố tụng đối với việc xác định người đã chết cũng giống như xác định người đã mất tích. Tuy nhiên, để xác định người đã chết không nhất thiết phải qua thủ tục xác định người đó là mất tích.

Ngày chết của người mà Tòa án xác định người đã chết là ngày bản án của Tòa án về việc đó có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp người đó có thể chết trong một tai nạn, thì Tòa án có thể xác định ngày chết của người đó là ngày xảy ra tai nạn.

7. Tài sản của người mà Tòa án xác định là mất tích tùy trường hợp được giao cho người thân thích của họ hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý. Người được giao quản lý tài sản có trách nhiệm bảo quản và không được chuyển dịch quyền sở hữu, thế chấp, cầm cố … tài sản đó. Tài sản đó có thể được trích ra để nuôi dưỡng người mà người mất tích có nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người mất tích. Tài sản của người mà Tòa án xác định là đã chết được giải quyết theo pháp luật về thừa kế.

8. Nếu có người xin ly hôn vì lý do người kia mất tích thì Tòa án giải quyết cả việc mất tích và ly hôn trong cùng một vụ án. Trong trường hợp Tòa án xác định người kia bị mất tích thì Tòa án cho nguyên đơn được ly hôn với người mất tích.

9. Trong trường hợp mà Tòa án xác định là mất tích hoặc đã chết xuất hiện thì vụ án có thể được giải quyết lại theo thủ tục tái thẩm. Nếu vụ án được giải quyết lại theo thủ tục tái thẩm thì tài sản của người bị Tòa án xác định là đã chết hoặc bị mất tích đang do người khác quản lý hoặc đã được chuyển giao theo pháp luật thừa kế được trả lại theo yêu cầu của họ.

Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người mà tòa án xác định là đã chết hoặc mất tích đã kết hôn với người khác thì không được khởi kiện, khởi tố để yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn đó.

IV. VỀ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI ĐỐI VỚI VIỆC TỪ CHỐI ĐĂNG KÝ HOẶC KHÔNG CHẤP NHẬN YÊU CẦU SỬA ĐỔI NHỮNG ĐIỀU GHI TRONG GIẤY TỜ VỀ HỘ TỊCH

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ