Thông tư 05-NV năm 1961 hướng dẫn thi hành Điều lệ đăng ký hộ tịch mới do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 05-NV
Ngày ban hành 21/01/1961
Ngày có hiệu lực 05/02/1961
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Tô Quang Đẩu
Lĩnh vực Quyền dân sự

BỘ NỘI VỤ

*******

Số: 05-NV

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 21  tháng 01 năm 1961

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH MỚI

Kính gửi:

Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh và khu vực Vĩnh Linh.

 

Ngàu 16 tháng 01 năm 1961, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 04-CP ban hành bản điều lệ đăng ký hộ tịch mới. Căn cứ vào nghị định nói trên, Bộ nêu lên một số điểm cần chú ý trong bản điều lệ và quy định những chi tiết thi hành những điểm ấy như sau:

I. NGUYÊN TẮC VÀ CÁCH THỨC ĐĂNG KÝ

Mọi việc sinh, tử, kết hôn đều phải xin đăng ký tại Ủy ban hành chính cơ sở nơi đương sự hiện cư trú, và xuất trình các chứng cớ cần thiết, không cần phải có người đến làm chứng và phải đăng ký đúng thời gian và thủ tục. Quy định như vậy là nhằm phục vụ công tác thống kê dân số thường xuyên của Nhà nước, góp phần thực hiện luật hôn nhân và gia đình, làm cho việc khai báo của nhân dân được đơn giản và dễ dàng, đồng thời đảm bảo đăng ký chính xác. Sau đây là một số trường hợp cụ thể:

A. Đăng ký việc sinh.

1. Trường hợp cư trú một nơi, nhưng lại đẻ ở một nơi khác thì cũng không khai với Ủy ban hành chính nơi đẻ mà phải khai với Ủy ban hành chính nơi cư trú.

Nếu vì một lý do nào đó, không thể về nơi cư trú để khai sinh đúng hạn được, thì cha mẹ đứa trẻ phải gửi giấy chứng sinh hay giấy chứng nhận về nhờ người thân thuộc đi khai thay, hoặc gửi thư về khai với Ủy ban hành chính nơi cư trú.

2. Khai sinh cho con ngoài giá thú: Con ngoài giá thú là con mà cha mẹ không phải là vợ chồng, hoặc cha mẹ ăn ở với nhau như vợ chồng, nhưng việc lấy nhau chưa được Ủy ban hành chính công nhận và đăng ký vào sổ kết hôn.

Ủy ban hành chính có nhiệm vụ đăng ký sinh cho đứa trẻ và không cần đi sâu vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ. Nếu người đứng khai không muốn khai tên người cha, thì Ủy ban hành chính vẫn đăng ký.

3. Khai sinh cho đứa trẻ mới đẻ bị bỏ rơi: Ủy ban hành chính có trách nhiệm bảo vệ đứa trẻ, rồi căn cứ vào biên bản đã làm khi tìm thấy đứa trẻ để đăng ký khai sinh cho nó. Sau đó thì tìm người nuôi nấng đứa trẻ và điều tra xem cha mẹ nó là ai.

Khi biết cha hay mẹ đứa trẻ và những người này đồng ý nhận con, Ủy ban hành chính ghi chú việc nhận con ấy vào sổ khai sinh. Nếu cha hay mẹ không chịu nhận con, Ủy ban hành chính không ghi chú gì cả. Trong cả hai trường hợp nói trên, Ủy ban hành chính có nhiệm vụ gửi hồ sơ lên Ủy ban hành chính cấp trên báo cáo.

Trường hợp chưa tìm thấy cha mẹ đứa trẻ mà có người nhận nuôi, Ủy ban hành chính sẽ làm giấy giao nhận nuôi con nuôi với người ấy, rồi ghi chú việc đó vào sổ khai sinh.

B. Bảng đăng ký việc tử.

1. Báo và đăng ký tử: Khi có người cư trú ở một nơi, nhưng chết ở một nơi khác. Ủy ban hành chính nơi xảy ra việc chết và Ủy ban hành chính nơi cư trú của người chết có trách nhiệm đảm bảo thực hiện đầy đủ thủ tục quy định ở điều 5, đoạn 3, để tránh bỏ sót không đăng ký.

2. Cho phép mai táng: Tùy từng trường hợp, nếu là chết thông thường vì già yếu, Ủy ban hành chính cơ sở có thể cho phép mai táng ngay.

Nếu tình nghi chết vì dịch tễ, thì Ủy ban hành chính phải báo ngay cho cơ quan y tế để làm công tác vệ sinh phòng bệnh. Đối với những việc tình nghi án mạng. Ủy ban hành chính cơ sở phải báo ngay cho Ủy ban hành chính cấp trên biết để kịp thời có chủ trương thích ứng. Trong những trường hợp này, Ủy ban hành chính cơ sở chỉ cho phép mai táng sau khi có ý kiến của cơ quan y tế, công an hoặc tòa án.

3. Phân biệt trẻ con đẻ ra rồi mới chết và trẻ con đẻ ra đã chết: Trẻ con đẻ ra rồi mới chết nghĩa là đẻ ra còn sống, dù chỉ sống trong một thời gian ngắn, như sống độ một vài phút rồi mới chết.

Trẻ con đẻ ra đã chết nghĩa là chết từ trong bụng mẹ, khi lấy được ra, chỉ là một cái thai đã chết.

Quy định trẻ con đẻ ra rồi mới chết vừa phải đăng ký vào sổ khai sinh, vừa phải đăng ký vào sổ khai tử là nhằm mục đích thống kê số trẻ sinh ra không nuôi được, giúp cho việc nghiên cứu để hạn chế dần dần tình trạng không bình thường này.

4. Ghi nguyên nhân chết: Thấy người chết chết về bệnh nào hay tai nạn nào thì ghi rõ bệnh ấy hay tai nạn ấy. Trước khi ghi, cần thống nhất ý kiến với cán bộ y tế để ghi cho được chính xác.

C. Đăng ký việc kết hôn:

1. Phải xin đăng ký kết hôn trước rồi mới tổ chức lễ cưới sau. Theo luật hôn nhân và gia đình thì mọi việc kết hôn phải được Ủy ban hành chính cơ sở công nhận và đăng ký. Như vậy đôi nam nữ phải xin đăng ký trước; sau khi được Ủy ban hành chính công nhận đăng ký vào sổ, hai bên nam nữ mới được tổ chức lễ cưới. Ủy ban hành chính cần giải thích cho nhân dân thấy việc đăng ký là một điều kiện trước tiên không thể thiếu được để cho quan hệ vợ chồng có giá trị trước pháp luật. Việc kết hôn theo phong tục tập quán hay tôn giáo không có giá trị về mặt pháp lý.

2. Nơi xin đăng ký kết hôn: Ủy ban hành chính cơ sở nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ là Ủy ban hành chính nơi người con trai hay người con gái hiện cư trú hoặc là Ủy ban hành chính nơi cha mẹ của hai người hiện cư trú.

3. Khai xin đăng ký kết hôn: Quy định cả đôi nam nữ cũng phải đến trụ sở Ủy ban hành chính khai xin đăng ký kết hôn là để đảm bảo thực hiện nguyên tắc tự do kết hôn. Trường hợp một trong hai người không thể đến khai được mà có lý do chính đáng thì có thể gửi thư để khai, chữ ký phải được Ủy ban hành chính nơi người ấy hiện cư trú nhận thức.

Nếu Ủy ban hành chính nhận thấy việc xin kết hôn có đủ điều kiện do luật định thì có thể cho đăng ký ngay. Nếu xét thấy có điểm nào chưa rõ ràng, Ủy ban hành chính sẽ điều tra thêm. Chỉ sau khi biết rõ việc kết hôn có đủ điều kiện, Ủy ban hành chính mới quyết định cho đăng ký. Từ nay bãi bỏ hình thức yết thị lời khai xin đăng ký kết hôn.

[...]