Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 02/NQ-CP
Ngày ban hành 08/01/2025
Ngày có hiệu lực 08/01/2025
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

CHÍNH PH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/NQ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2025

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2025

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 158/2024/QH15 ngày 12 tháng 11 năm 2024 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT NGHỊ:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

Năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, củng cố niềm tin và tạo động lực cho doanh nghiệp. Chính phủ tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là về thể chế, trong đó chú trọng hoàn thiện, bảo đảm sự đồng bộ và nâng cao chất lượng pháp luật, bãi bỏ và đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cải cách môi trường kinh doanh. Các động lực tăng trưởng truyền thống tiếp tục được duy trì và củng cố; đầu tư công tiếp tục giữ vai trò quan trọng, dẫn dắt và thúc đẩy đầu tư tư nhân. Các động lực tăng trưởng mới (như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo,...) được khuyến khích phát triển. Đặc biệt, một số giải pháp được tăng cường như: Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật[1] (nay là Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật[2]); phát huy hiệu quả vai trò các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, các đoàn công tác của Thành viên Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách và thực thi, nhất là đối với các dự án đầu tư.

Với những nỗ lực nêu trên, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao so với khu vực và thế giới; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2024 cơ bản hoàn thành, đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao kết quả đạt được và nâng hạng năng lực cạnh tranh của nước ta trong năm 2024. Cụ thể là: Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB) với triển vọng “Ổn định”; Moody’s xếp hạng ở mức Ba2, triển vọng “Ổn định”; S&P xếp hạng ở mức BB+, triển vọng “Ổn định”. Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử xếp thứ 71, tăng 15 bậc so với xếp hạng trước đó (năm 2022); vượt mục tiêu Chính phủ đề ra[3]. So với năm 2023, chỉ số Tự do kinh tế[4] cải thiện 13 bậc, lên thứ hạng 59; Đổi mới sáng tạo toàn cầu[5] tăng 2 bậc, lên vị trí 44, trong đó có 3 chỉ số đứng đầu thế giới[6]; Phát triển bền vững[7] tăng 1 bậc, hiện xếp thứ 54. Ngoài ra, Việt Nam là một trong 46 quốc gia được xếp vào Nhóm 1[8] về chỉ số An toàn thông tin mạng[9] năm 2024.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược gay gắt; xung đột leo thang tiếp diễn ở nhiều nơi; tình trạng giá cước tàu biển tăng cao cũng ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ở trong nước, cải thiện môi trường kinh doanh chưa có nhiều đột phá; một số rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh chưa kịp thời được tháo gỡ; công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu chậm chuyển biến; thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh mặc dù được quan tâm cắt giảm, đơn giản hóa nhưng còn rườm rà, phức tạp; dịch vụ công trực tuyến đã được cải thiện, nhưng chưa thật sự thuận lợi, thông suốt, tỷ lệ tái sử dụng dữ liệu số hoá còn thấp.... Đây là các vấn đề cần chú trọng triển khai cải cách mạnh mẽ trong thời gian tới.

Dự báo năm 2025, các thuận lợi, khó khăn vẫn tiếp tục đan xen. Trong bối cảnh đó, cải cách môi trường kinh doanh vẫn là yêu cầu cấp thiết để củng cố niềm tin, tạo thêm động lực cho doanh nghiệp; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, thực chất và quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương. Vì thế, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xác định cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên; nỗ lực thực chất để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn về thể chế pháp lý và thực thi cho doanh nghiệp.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp theo quy định của Hiến pháp 2013. Kịp thời tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tháo bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, chi phí thấp để khơi thông nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư tư nhân và thúc đẩy hợp tác công tư; đồng thời khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới, phù hợp và thích ứng linh hoạt với xu thế phát triển.

2. Nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, pháp luật; trong đó tập trung vào tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế. Sửa đổi đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm các quy định, thủ tục hành chính đơn giản, giảm gánh nặng tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm yêu cầu chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, xoá bỏ cơ chế “xin - cho”. Quy trình lấy ý kiến cần thực chất; tham vấn rộng rãi các đối tượng chịu tác động; và tổ chức đối thoại công khai. Nâng cao chất lượng thực thi văn bản pháp luật; giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm đúng thời hạn và không đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với doanh nghiệp.

3. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát kiểm tra; thực hiện phân cấp hơn nữa cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Thiết lập cơ chế rõ ràng về bảo vệ cán bộ khi giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh trong trường hợp có sự không thống nhất, khác biệt về quy định giữa các văn bản pháp luật. Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm; phân công phải 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm”.

4. Duy trì và nhân rộng các kinh nghiệm chính sách tốt, tiên tiến về quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thực thi nghiêm cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa, nhất là công tác kiểm tra chất lượng, theo hướng chuyển sang hậu kiểm, áp dụng quản lý rủi ro trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa.

5. Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả. Tinh thần là cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh theo hướng giảm chi phí tuân thủ, bảo đảm an toàn và phù hợp với thông lệ quốc tế tốt; thực hiện phân cấp, phân quyền; thúc đẩy tinh thần kinh doanh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo; đồng thời củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển; qua đó nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng toàn cầu.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tập trung hoàn thành các mục tiêu đã đề ra đến năm 2025 tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Trong đó có điều chỉnh, cập nhật một số mục tiêu cho phù hợp với thực tiễn triển khai và sự điều chỉnh về khung đánh giá của quốc tế. Cụ thể là:

- Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc - UN) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu.

- Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) tăng ít nhất 1 bậc.

- Phát triển Chính phủ điện tử (của UN) tăng ít nhất 2 bậc (trong kỳ xếp hạng tới).

- Quyền tài sản (IPRI) của Liên minh quyền tài sản tăng ít nhất 3 bậc.

- Hiệu quả logistics (LPI) của Ngân hàng thế giới (WB) tăng ít nhất 4 bậc.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ