HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02/2019/NQ-HĐND
|
Quảng Nam, ngày
12 tháng 7 năm 2019
|
NGHỊ QUYẾT
QUY
ĐỊNH MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2019-2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng
6 năm 2013;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6
năm 2015;
Xét Tờ trình số 2956/TTr-UBND ngày 28 tháng 5
năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị quy định một số cơ chế, chính sách
hỗ trợ phát triển hoạt động Khoa học và Công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
giai đoạn 2019-2025; Báo cáo thẩm tra số 32/BC-HĐND ngày 14 tháng 6 năm 2019 của
Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu tại
kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển
hoạt động Khoa học và Công nghệ (sau đây viết tắt là KH&CN) các tổ chức, cá
nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gồm các hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ
KH&CN; phát triển quyền sở hữu công nghiệp và hoạt động tiêu chuẩn, đo lường,
chất lượng cho các sản phẩm, dịch vụ; chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ
và ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới; phát triển
thị trường KH&CN trong nước và quốc tế, giai đoạn 2019-2025.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân (sau đây gọi
chung là cơ sở) có liên quan đến việc quản lý và thực hiện các hoạt động thuộc
phạm vi điều chỉnh được quy định tại Điều 1 Nghị quyết này.
2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc
đối tượng áp dụng của Nghị quyết.
Chương II
CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ
TRỢ
Điều 3. Hỗ trợ chuyển giao, ứng
dụng tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi
và xây dựng nông thôn mới
1. Đối tượng hỗ trợ: Các tổ chức chủ trì thực hiện
dự án “Chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã
hội nông thôn, miền núi và xây dựng nông thôn mới” được thành lập và hoạt động
theo quy định của pháp luật, được UBND huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là
UBND cấp huyện) đề nghị hỗ trợ bằng văn bản, bao gồm:
a) Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện;
b) Các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện;
c) Các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động theo Luật
Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, có trụ sở chính trên địa bàn huyện, thị xã,
thành phố triển khai thực hiện dự án. Các đơn vị, cơ sở thực hiện đầy đủ các
nghĩa vụ theo quy định hiện hành của Nhà nước (theo cam kết của đơn vị), không
vi phạm pháp luật hiện hành và đang hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký sản xuất,
kinh doanh.
2. Điều kiện hỗ trợ dự án “Chuyển giao, ứng dụng
tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn,
miền núi và xây dựng nông thôn mới” đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Tổ chức thực hiện dưới hình
thức nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh trên cơ sở đơn giản hóa thủ tục hành chính các
quy định quản lý có liên quan; được UBND cấp huyện đề xuất đặt hàng bằng văn bản
và được Hội đồng KH&CN cấp tỉnh thống nhất triển khai thực hiện;
b) Tổ chức chủ trì thực hiện dự án có cơ sở vật chất
kỹ thuật đảm bảo thực hiện dự án; có năng lực huy động nguồn kinh phí ngoài
ngân sách và các nguồn lực khác thực hiện dự án; có năng lực tổ chức liên kết sản
xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa hoặc tổ chức sản xuất hàng hóa tạo sinh kế cho
người dân tại địa phương triển khai thực hiện dự án. Tổ chức chủ trì trực tiếp
thực hiện, tiếp thu và thụ hưởng kết quả của dự án;
c) Có sự tham gia của người dân địa phương trong thực
hiện mô hình, liên kết sản xuất tạo ra sản phẩm;
d) Công nghệ lựa chọn để chuyển
giao, ứng dụng đáp ứng các yêu cầu sau:
Hướng vào giải quyết những vấn đề phát sinh trong
phát triển kinh tế - xã hội của tại nơi thực hiện dự án, bảo đảm yêu cầu về bảo
vệ môi trường sinh thái; phù hợp với nhu cầu phát triển và điều kiện thực tế của
địa phương;
Có tính mới, tiên tiến và hiệu quả hơn công nghệ
đang áp dụng tại địa phương triển khai dự án hoặc công nghệ được tạo ra từ kết
quả nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh của tỉnh Quảng Nam nhưng chưa có dự án ứng dụng,
chuyển giao nhân rộng;
Đã có quy trình kỹ thuật ổn định, phù hợp với khả
năng tiếp thu của các tổ chức và người dân nơi thực hiện dự án;
Được công nhận là tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới
theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc được tạo ra từ kết
quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở trở lên; hoặc được Chủ tịch UBND tỉnh
cho phép ứng dụng chuyển giao.
3. Điều kiện hỗ trợ xây dựng mô
hình ứng dụng kết quả Dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến
bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân
tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015
của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng
nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 12/01/2017
của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Chương trình Nông thôn miền núi, Nông
thôn mới của Trung ương) đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Quy trình kỹ thuật áp dụng xây dựng mô hình là
quy trình từ kết quả của Dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, Nông thôn
mới của Trung ương; phù hợp với nhu cầu phát triển, điều kiện thực tế, hướng
vào giải quyết những vấn đề phát sinh trong sản xuất của địa phương;
b) Được tổ chức thực hiện dưới hình thức xây dựng
mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, được Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định.
4. Nội dung và mức hỗ trợ
a) Dự án “Chuyển giao, ứng
dụng tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi
và xây dựng nông thôn mới” bao gồm: Xây dựng mô hình chuyển giao, ứng dụng
các tiến bộ KH&CN phù hợp với điều kiện thực tế, trình độ phát triển của từng
địa phương trong tỉnh; xây dựng mô hình chuyển giao, ứng dụng đồng bộ các tiến
bộ KH&CN, tổ chức quản lý, phát triển thị trường theo chuỗi giá trị hàng
hóa có sự tham gia, liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân trong
đó doanh nghiệp là nòng cốt. Hỗ trợ thực hiện các dự án trên địa bàn các huyện,
thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là huyện) như sau:
Tối đa 90% tổng kinh phí thực hiện đối với các dự
án thực hiện trên địa bàn các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó
khăn, nhưng không quá 1,5 tỷ đồng/1 dự án;
Tối đa 70% tổng kinh phí thực hiện đối với các dự
án thực hiện trên địa bàn các huyện chưa tự cân đối ngân sách (trừ các địa
phương quy định tại tiết 1, điểm a, khoản 4 Điều này), nhưng không quá 1,2 tỷ đồng/1
dự án;
Tối đa 50% tổng kinh phí thực hiện đối với các dự
án thực hiện trên địa bàn các huyện tự cân đối ngân sách, nhưng không quá 1 tỷ
đồng/1 dự án.
b) Xây dựng mô hình ứng dụng kết
quả Dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, Nông thôn mới của Trung ương
(tối đa 2 mô hình cho 1 quy trình).
Tối đa 90% tổng kinh phí thực hiện các mô hình trên
địa bàn các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhưng không
quá 180 triệu đồng/mô hình;
Tối đa 70% tổng kinh phí thực hiện xây dựng các mô
hình trên địa bàn các huyện chưa tự cân đối ngân sách (trừ các địa phương quy định
tại tiết 1, điểm b, khoản 4 Điều này), nhưng không quá 140 triệu đồng/mô hình;
Tối đa 50% tổng kinh phí thực hiện đối với các mô
hình trên các địa bàn các huyện tự cân đối ngân sách, nhưng không quá 100 triệu
đồng/mô hình.
5. Quy mô thực hiện
a) Hỗ trợ tối đa 35 dự án đáp ứng các điều kiện quy
định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết này;
b) Hỗ trợ tối đa 70 mô hình đáp ứng các điều kiện
quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết này;
c) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ
chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng và chuyển giao công nghệ đối với 200
cán bộ quản lý, kỹ thuật viên cơ sở. Tập huấn, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật
khoảng 5.000 lượt nông dân.
Điều 4. Hỗ trợ xác lập, phát
triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh
1. Đối tượng hỗ trợ: Áp dụng theo quy định tại khoản
1 Điều 2 Nghị quyết này.
2. Điều kiện hỗ trợ
a) Đối với nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu
chứng nhận, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích: Cơ sở đã xây dựng
hồ sơ đăng ký và đã có văn bản bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ do cơ quan có thẩm
quyền cấp;
b) Đối với xây dựng mô hình quản lý tài sản trí tuệ
doanh nghiệp: Cơ sở đã xây dựng, áp dụng mô hình quản lý tài sản trí tuệ có hiệu
quả, được Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định, nghiệm thu;
c) Đối với xây dựng mô hình kiểm soát, truy xuất
nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận:
Cơ sở đã xây dựng, áp dụng và gắn tem truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm đảm bảo
tính xác thực, được Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định, nghiệm thu.
3. Nội dung và mức hỗ trợ
a) Đăng ký nhãn hiệu: Tối đa 5 triệu đồng/nhãn hiệu
và không quá 5 nhãn hiệu/cơ sở;
b) Đăng ký nhãn hiệu tập thể: Tối đa 10 triệu đồng/nhãn
hiệu;
c) Đăng ký nhãn hiệu chứng nhận: Tối đa 20 triệu đồng/nhãn
hiệu;
d) Đăng ký sáng chế: Tối đa 20 triệu đồng/sáng chế;
e) Đăng ký kiểu dáng công nghiệp: Tối đa 10 triệu đồng/kiểu
dáng và không quá 5 kiểu dáng công nghiệp/năm/cơ sở;
f) Đăng ký giải pháp hữu ích: Tối đa 15 triệu đồng/giải
pháp;
g) Xây dựng mô hình quản lý tài sản trí tuệ doanh
nghiệp: Tối đa 30 triệu đồng/mô hình;
h) Xây dựng mô hình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc
xuất xứ, chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận: Tối đa
30 triệu đồng/mô hình.
4. Quy mô thực hiện
Hỗ trợ tối đa 200 nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể,
nhãn hiệu chứng nhận; 50 kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, sáng chế được
đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; 50 mô hình quản lý tài sản trí tuệ
doanh nghiệp, mô hình hệ thống quản lý, giải pháp kiểm soát, truy xuất nguồn gốc
xuất xứ, chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận.
Điều 5. Hỗ trợ hoạt động tiêu
chuẩn, đo lường, chất lượng cho các sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh
1. Đối tượng hỗ trợ: Áp dụng
theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết này
2. Điều kiện hỗ trợ
a) Đối với nội dung “Xây dựng và áp dụng hệ thống
quản lý chất lượng tiên tiến”: Cơ sở đã xây dựng, áp dụng và đã được cấp Giấy
chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng;
b) Đối với nội dung “Đánh giá hợp chuẩn, hợp quy”:
Cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy;
c) Đối với nội dung “Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở”:
Tiêu chuẩn cơ sở được chính tổ chức, cá nhân công bố phù hợp với quy định pháp
luật hiện hành (đối với sản phẩm, dịch vụ chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng);
d) Đối với nội dung “Áp dụng công cụ nâng cao năng
suất chất lượng”: Cơ sở đã áp dụng công cụ năng suất chất lượng và có Giấy chứng
nhận do tổ chức có chức năng chứng nhận cấp.
3. Nội dung và mức hỗ trợ
a) Xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng
tiên tiến: Tối đa 50 triệu đồng/01 hệ thống và không quá 03 hệ thống/cơ sở;
b) Đánh giá hợp chuẩn, hợp quy: Tối đa 15 triệu đồng/sản
phẩm và không quá 08 sản phẩm/cơ sở;
c) Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở: Tối đa 10 triệu đồng/tiêu
chuẩn và không quá 05 tiêu chuẩn cơ sở/cơ sở;
d) Áp dụng các công cụ cải tiến nâng cao năng suất
chất lượng: Tối đa 40 triệu đồng/ công cụ và không quá 03 công cụ/cơ sở;
e) Các cơ sở tham gia và đạt giải Giải thưởng chất
lượng quốc gia và quốc tế
Giải vàng giải thưởng Chất lượng quốc gia: 20 triệu
đồng;
Giải thưởng Chất lượng quốc gia: 15 triệu đồng;
Giải thưởng Chất lượng quốc tế Châu Á - Thái Bình
Dương: 30 triệu đồng.
4. Quy mô thực hiện
Hỗ trợ tối đa 50 lượt cơ sở xây dựng và áp dụng các
hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; 60 lượt cơ sở được chứng nhận hợp chuẩn,
hợp quy cho sản phẩm; 30 lượt tiêu chuẩn cơ sở; 30 lượt cơ sở áp dụng công cụ
nâng cao năng suất chất lượng; 14 lượt doanh nghiệp đạt giải thưởng chất lượng
quốc gia và quốc tế.
Điều 6. Hỗ trợ hoạt động nghiên
cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ và ứng dụng, thương mại hóa kết
quả nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới
1. Đối tượng hỗ trợ: Áp dụng
theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết này.
2. Điều kiện hỗ trợ
a) Đối với hỗ trợ thực hiện hợp đồng chuyển giao
công nghệ: Công nghệ chuyển giao phải thuộc danh mục khuyến khích chuyển giao
theo Luật chuyển giao công nghệ; được Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định, nghiệm
thu theo quy định.
b) Đối với hỗ trợ đổi mới công
nghệ, thiết bị.
Dự án đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao
năng suất, chất lượng, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến
môi trường.
Cơ sở có Dự án đổi mới công nghệ, thiết bị được Sở
Khoa học và Công nghệ thẩm định, nghiệm thu theo quy định.
c) Đối với hỗ trợ thực hiện dự
án sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa kết quả nghiên cứu: Cơ sở có hồ sơ dự án
đáp ứng tiêu chí về dự án sản xuất thử nghiệm theo quy định.
3. Nội dung và mức hỗ trợ
a) Hỗ trợ hợp đồng chuyển giao công nghệ
Hợp đồng chuyển giao công nghệ có giá trị trên 1 tỷ
đồng: Hỗ trợ 20% giá trị hợp đồng, nhưng tối đa không quá 400 triệu đồng/hợp đồng;
Hợp đồng chuyển giao công nghệ có giá trị từ 500
triệu đồng đến 1 tỷ đồng: Hỗ trợ 25% giá trị hợp đồng, nhưng tối đa không quá
200 triệu đồng/hợp đồng;
Hợp đồng chuyển giao công nghệ có giá trị dưới 500
triệu đồng: Hỗ trợ 30% giá trị hợp đồng, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/hợp
đồng.
b) Hỗ trợ thực hiện dự án đổi
mới công nghệ, thiết bị
Dự án có giá trị trên 2 tỷ đồng: Hỗ trợ 20% giá trị,
nhưng tối đa không quá 450 triệu đồng/01 dự án;
Dự án có giá trị từ 1 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng: Hỗ trợ
25% giá trị, nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng/01 dự án;
Dự án có giá trị từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng: Hỗ
trợ 30% giá trị, nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/01 dự án.
c) Hỗ trợ thực hiện dự án sản
xuất thử nghiệm, thương mại hóa kết quả nghiên cứu bằng hình thức thực hiện dự
án sản xuất thử nghiệm theo quy định
Tối đa 50% tổng kinh phí đầu tư mới thực hiện dự án
triển khai tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, nhưng
không quá 1,5 tỷ đồng/dự án;
Tối đa đến 30% tổng kinh phí đầu tư mới thực hiện dự
án triển khai ở các địa bàn còn lại, nhưng không quá 1 tỷ đồng/dự án;
4. Quy mô thực hiện
a) Hỗ trợ tối đa 14 hợp đồng chuyển giao công nghệ;
b) Hỗ trợ tối đa 20 dự án đổi mới công nghệ, thiết
bị;
c) Hỗ trợ tối đa 07 dự án sản
xuất thử nghiệm, thương mại hóa kết quả nghiên cứu để tạo ra sản phẩm mới,
nâng cao năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.
Điều 7. Hỗ trợ hoạt động phát
triển thị trường khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế
1. Đối tượng hỗ trợ: Áp dụng theo quy định tại khoản
1 Điều 2 Nghị quyết này.
2. Điều kiện hỗ trợ
a) Đối với hoạt động phát triển thị trường
KH&CN trong nước: Tổ chức, cá nhân có sản phẩm khoa học và công nghệ theo
quy định;
b) Đối với hoạt động phát triển thị trường
KH&CN trong khu vực Asean: Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu sản phẩm được làm
ra từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
3. Nội dung và mức hỗ trợ
a) Tham gia các hoạt động phát triển thị trường
KH&CN trong nước: Tối đa 20 triệu đồng/cơ sở và không quá 2 lượt/cơ sở/năm;
b) Tham gia các hoạt động phát triển thị trường
KH&CN trong khu vực Asean: Hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/1 lượt/cơ sở/năm.
4. Quy mô thực hiện
Hỗ trợ tối đa 50 lượt tổ chức, cá
nhân tham gia các hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong
nước, quốc tế.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Kinh phí thực hiện
1. Tổng kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện
giai đoạn 2019-2025: 83.680 triệu đồng.
2. Phân kỳ thực hiện từng năm như sau:
Đơn vị tính: Triệu
đồng
Năm 2019
|
Năm 2020
|
Năm 2021
|
Năm 2022
|
Năm 2023
|
Năm 2024
|
Năm 2025
|
Tổng
|
7.145
|
10.235
|
13.045
|
13.395
|
13.325
|
14.555
|
11.980
|
83.680
|
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị
quyết; hướng dẫn định mức hỗ trợ đối với mô hình chuyển giao, đăng ký nhãn hiệu,
hợp đồng chuyển giao công nghệ, hình thức hỗ trợ; định kỳ báo cáo Hội đồng nhân
dân tỉnh kết quả thực hiện tại kỳ họp cuối năm.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội
đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực
hiện Nghị quyết.
3. Đối với các tổ chức, cá nhân đã tham gia Đề án “Nâng
cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên
địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012-2020” theo Quyết định số 2195/QĐ-UBND
ngày 04/7/2012 của UBND tỉnh Quảng Nam và Kế hoạch số 5308/KH-UBND ngày
26/10/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc “Tạo lập, quản lý và phát triển
quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống
của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020”, được cấp có thẩm quyền phê duyệt
trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực được tiếp tục áp dụng cơ chế hỗ trợ theo
Đề án, Kế hoạch đã được phê duyệt; không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị
quyết này.
4. Khi các văn bản quy định dẫn chiếu để áp dụng tại
Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng
theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
5. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 8 năm 2019.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng
Nam khóa IX, thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 12 tháng 7 năm 2019./.
Nơi nhận:
- UBTVQH;
- VP: QH, CTN, CP;
- Ban CTĐB - UBTVQH;
- Bộ KH&CN;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Ban TVTU, TT HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQVN, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, UBND tỉnh;
- Sở, Ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh;
- TT.HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- TTXVN tại QN;
- Báo QNam, Đài PT-TH QNam;
- Công báo tỉnh;
- CPVP, CV;
- Lưu: VT, CV (Thủy).
|
CHỦ TỊCH
Phan Việt Cường
|