Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐND về thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 do tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu 01/2020/NQ-HĐND
Ngày ban hành 22/07/2020
Ngày có hiệu lực 01/08/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Xuân Sơn
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại,Thuế - Phí - Lệ Phí

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2020/NQ-HĐND

Nghệ An, ngày 22 tháng 7 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ 6 THÁNG CUỐI NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Trên cơ sở xem xét các Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2020, Báo cáo thẩm tra của Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành với nội dung báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020; nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu sau:

Điều 1. Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020

Từ đầu năm 2020 việc thực hiện kế hoạch phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại dẫn đến đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội cũng như tâm lý và đời sống nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của toàn thể nhân dân, vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân. Trong bối cảnh khó khăn đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm 6 tháng đầu năm (GRDP) vẫn đạt 2,69%; thu ngân sách thực hiện 6.964,51 tỷ đồng, đạt 45,8% dự toán; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; thu hút đầu tư được quan tâm; các công trình, dự án trọng điểm được chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên nhằm đẩy nhanh tiến độ. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được quan tâm, nhất là việc triển khai thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội đang đứng trước nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường; tốc độ tăng trưởng đạt thấp, thu ngân sách dự kiến khó hoàn thành dự toán được giao ảnh hưởng đến cân đối chi ngân sách; hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm còn chậm; đời sống của một bộ phận người lao động, người dân còn gặp nhiều khó khăn; hoạt động xuất khẩu lao động giảm, số lượng người lao động bị mất việc, tạm ngừng việc tăng lên đáng kể,...

Điều 2. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm

Cùng với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, nhất là Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; các Nghị quyết và văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong 6 tháng cuối năm 2020, các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đây:

1. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, thuế... Rà soát, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp

a) Tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy đầu tư tại các kết luận, thông báo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

b) Kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi các khoản vay cũ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới với lãi suất ưu đãi. Thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân khó khăn do dịch Covid-19 theo quy định. Đẩy mạnh triển khai Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai thực hiện Kế hoạch tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kế hoạch cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp...

c) Tiếp tục thực hiện hỗ trợ người nộp thuế theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị định số 70/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020. Tuyên truyền phổ biến đến từng người nộp thuế các văn bản chính sách thuế mới như: Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 ngày 02/6/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân...

d) Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 30/6/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và các Chỉ thị số: 20/CT-TTg ngày 17/5/2017, 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, rà soát lại kế hoạch thanh tra, kiểm tra để hạn chế, giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong thời kỳ dịch bệnh, không thanh tra ngoài kế hoạch, chuyển từ phương pháp tiền kiểm sang hậu kiểm. Đối với những dự án đã thanh tra, khẩn trương hoàn thành kết luận, tham mưu, đề xuất hướng xử lý theo quy định của pháp luật.

e) Rà soát phương án giảm giá thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp trên cơ sở giảm khung giá thuê đất của nhà nước đối với quy hoạch đất công nghiệp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất. Xây dựng sửa đổi, bổ sung bảng giá đất khu công nghiệp trong khu kinh tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024.

f) Nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách; phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp. Thường xuyên nắm bắt tình hình của doanh nghiệp, đề xuất kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh để tái khởi động nền kinh tế.

2. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại, xúc tiến, thu hút đầu tư

a) Rà soát, tiếp tục triển khai các nội dung của Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2020. Tích cực vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ các dự án theo Chương trình xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Đảm bảo công tác thông tin đối ngoại và tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động phóng viên, báo chí nước ngoài. Tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động ngoại giao văn hóa. Triển khai đồng bộ, chặt chẽ công tác quản lý biên giới lãnh thổ quốc gia. Thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác lãnh sự và bảo hộ công dân. Tiếp tục quan tâm, nâng cao hiệu quả công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Triển khai đồng bộ, thiết thực và có chiều sâu các hoạt động đối ngoại Nhân dân.

b) Rà soát, chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư. Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm; các dự án lớn có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nghiên cứu sửa đổi chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tỉnh đã được ban hành tại Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

c) Tiếp tục hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc, khó khăn về thủ tục đầu tư, điều chỉnh dự án, chính sách về đất đai, mỏ nguyên liệu san lấp... cho các Nhà đầu tư dự án hạ tầng trọng điểm như: VSIP, WHA, Hoàng Mai I... Hỗ trợ, đôn đốc các Nhà đầu tư dự án hạ tầng cảng biển đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Dự án như: Bến số 6, 7, 8 Cảng Cửa Lò, Bến cảng nội địa Vissai, Bến cảng nước sâu Cửa Lò,...

d) Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm trên địa bàn; quan tâm đẩy mạnh tiến độ các dự án đã cấp chứng nhận đầu tư sớm triển khai thực hiện. Xử lý kiên quyết các dự án chậm tiến độ kéo dài; thực hiện nghiêm công tác thu hồi để chuyển cho nhà đầu tư khác nhằm sớm phát huy hiệu quả.

3. Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công

a) Các cấp, các ngành, các địa phương phải xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của ngành, địa phương, đơn vị. Trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2020 cho người đứng đầu, tập thể đơn vị, chủ đầu tư dự án và các tổ chức, cá nhân liên quan. Xem xét điều chuyển vốn theo quy định cho công trình, dự án đủ điều kiện, có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ; xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền.

b) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Tập trung chỉ đạo thu hồi vốn tạm ứng, quyết toán dự án hoàn thành.

4. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp sớm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh gắn với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực

[...]