Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc giữa Việt Nam - Trung Hoa

Số hiệu Khongso-03
Ngày ban hành 18/11/2009
Ngày có hiệu lực 14/07/2010
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Hồ Xuân Sơn,Vũ Đại Vĩ
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

NGHỊ ĐỊNH THƯ

PHÂN GIỚI CẮM MỐC BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN VIỆT NAM - TRUNG QUỐC GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA

Năm 2009

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi tắt là “hai Bên”), căn cứ “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày 30 tháng 12 năm 1999, thông qua Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (sau đây gọi tắt là “Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc”) triển khai công tác phân giới cắm mốc liên hợp từ năm 2000 đến năm 2009, xác định đường biên giới trên đất liền giữa hai nước trên thực địa (sau đây gọi tắt là “đường biên giới”).

Để thể hiện thành quả phân giới cắm mốc, hai Bên quyết định ký kết Nghị định thư này.

Phần 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Cơ sở pháp lý, kỹ thuật của công tác phân giới cắm mốc là:

1. “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày 30 tháng 12 năm 1999.

2. “Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ” ký ngày 25 tháng 12 năm 2000.

3. “Hiệp ước về xác định giao điểm đường biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày 10 tháng 10 năm 2006.

4. Biên bản đàm phán từ Vòng I đến Vòng III của Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc.

5. Biên bản đàm phán từ Vòng I đến Vòng XXXV cấp Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc.

6. Biên bản đàm phán từ Vòng I đến Vòng IV của Chuyên gia trong Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc.

7. Biên bản đàm phán từ Vòng I đến Vòng XVII của Nhóm Chuyên gia trong Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc.

Điều 2.

1. Điểm khởi đầu đường biên giới là giao điểm đường biên giới giữa ba nước: nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (dưới đây gọi tắt là giao điểm đường biên giới ba nước) quy định trong “Hiệp ước về xác định giao điểm đường biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, điểm kết thúc đường biên giới là điểm thứ nhất của đường phân định lãnh hải trong vịnh Bắc Bộ giữa hai nước quy định trong “Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ”; tổng chiều dài đường biên giới là 1449,566km, trong đó đường biên giới trên đất liền là 1065,652km, đường biên giới nước là 383,914km.

Mô tả chi tiết hướng đi của đường biên giới được ghi ở Phần II của Nghị định thư này, đồng thời đường biên giới được thể hiện trên “Bản đồ biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, tỷ lệ 1:50 000 (sau đây gọi tắt là “Bản đồ biên giới”) (Phụ lục 1).

2. Hai Bên đặt các mốc giới (mốc giới chính hoặc mốc giới phụ) trên đường biên giới các vị trí sau:

a. Nơi hướng đi của đường biên giới thay đổi rõ rệt;

b. Nơi địa hình khó xác định, đường biên giới khó nhận biết;

c. Nơi giao nhau giữa đường bộ, đường sắt, sông suối với đường biên giới;

d. Khu vực điểm dân cư quan trọng gần đường biên giới;

e. Điểm hợp lưu hoặc điểm phân lưu giữa sông, suối nội địa với sông, suối biên giới;

f. Nơi sông, suối biên giới dễ thay đổi dòng chảy;

g. Nơi thay đổi giữa đường biên giới nước và đường biên giới đất liền;

h. Điểm cao cần thiết.

3. Mốc giới chính và mốc giới phụ bao gồm mốc đơn, mốc đôi cùng số và mốc ba cùng số. Mốc giới đơn (mốc giới đơn chính hoặc mốc giới đơn phụ) được tạo thành bởi một cột mốc giới, đặt trực tiếp trên đường biên giới. Mốc giới đôi cùng số (mốc giới đôi chính hoặc mốc giới đôi phụ) được tạo thành bởi hai cột mốc giới, đặt ở hai bên bờ sông biên giới. Mốc giới ba cùng số (mốc giới ba chính hoặc mốc giới ba phụ) được tạo thành bởi ba cột giới mốc, đặt ở trên bờ sông của hai Bên, nơi hợp lưu (nơi phân lưu) của sông, suối nội địa và sông, suối biên giới.

4. Số hiệu mốc giới chính được đánh số đại thể từ Tây sang Đông theo thứ tự của số tự nhiên, lần lượt từ 1 đến 1378. Số hiệu mốc giới phụ thể hiện bằng phân số, tử số là số hiệu mốc giới chính phía trước, mẫu số là số hiệu của mốc giới phụ (đánh số đại thể từ Tây sang Đông, theo thứ tự từ 1 và tăng dần).

[...]