Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không, bổ sung Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, 2000

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 15/11/2000
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Nghị định thư
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

NGHỊ ĐỊNH THƯ

VỀ CHỐNG ĐƯA NGƯỜI DI CƯ TRÁI PHÉP BẰNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG BIỂN VÀ ĐƯỜNG KHÔNG, BỔ SUNG CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ CHỐNG TỘI PHẠM CÓ TỔ CHỨC XUYÊN QUỐC GIA, 2000

(Được thông qua và mở cho các quốc gia ký, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết số 55/25 ngày 15/11/2000 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc)

Lời nói đầu

Các quốc gia thành viên của Nghị định thư này,

Tuyên bố rằng hành động hữu hiệu để ngăn ngừa và đấu tranh chống việc đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không đòi hỏi một cách tiếp cận quốc tế toàn diện, bao gồm việc hợp tác, trao đổi thông tin và các biện pháp thích hợp khác, kể cả các biện pháp kinh tế-xã hội, ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế,

Nhắc lại Nghị quyết số 54/212 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 22/12/1999, trong đó Đại hội đồng kêu gọi các quốc gia thành viên và hệ thống Liên Hợp Quốc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di cư quốc tế và phát triển để giải quyết các nguyên nhân sâu xa của việc di cư, đặc biệt là những nguyên nhân liên quan tới nghèo đói, và để tối đa hoá lợi ích của di cư quốc tế cho các bên liên quan, và khuyến khích, nếu thích hợp, các cơ chế liên khu vực, khu vực và tiểu khu vực tiếp tục giải quyết vấn đề di cư và phát triển,

Tin tưởng vào sự cần thiết phải đối xử nhân đạo và bảo vệ đầy đủ các quyền của người di cư,

Xét đến thực tế là, mặc dù công việc đã được tiến hành tại các diễn đàn quốc tế khác, chưa có một văn kiện có tính chất toàn cầu nào đề cập đến mọi khía cạnh của việc đưa người di cư trái phép và các vấn đề liên quan khác,

Lo ngại về mức độ gia tăng nhanh chóng trong các hoạt động của các nhóm tội phạm có tổ chức chuyên đưa người di cư trái phép và các hoạt động tội phạm liên quan khác được quy định trong Nghị định thư này, có ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quốc gia liên quan,

Cũng lo ngại rằng việc đưa người di cư trái phép có thể làm nguy hại tới cuộc sống và an toàn của những người di cư liên quan,

Nhắc lại Nghị quyết số 53/111 của Đại hội đồng ngày 9/12/1998, trong đó Đại hội đồng quyết định thành lập một uỷ ban liên chính phủ đặc biệt nhằm soạn thảo một công ước quốc tế toàn diện về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và thảo luận việc soạn thảo, không kể những văn kiện khác, một văn kiện quốc tế xử lý nạn buôn bán và đưa người di cư trái phép, kể cả bằng đường biển.

Tin tưởng rằng việc bổ sung cho Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia bằng một văn kiện quốc tế về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không sẽ rất hữu ích trong việc ngừa và chống loại tội phạm này,

Đã thoả thuận như sau:

I. Các điều khoản chung

Điều 1. Quan hệ với Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia

1. Nghị định thư này bổ sung cho Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Nghị định thư này được giải thích cùng với Công ước.

2. Các quy định của Công ước được áp dụng cho Nghị định thư này với những sửa đổi cần thiết, trừ trường hợp Nghị định thư này có quy định khác.

3. Những hành vi phạm tội được theo quy định tại Điều 6 Nghị định thư này sẽ được coi là hành vi phạm tội theo quy định trong Công ước.

Điều 2. Mục đích của Nghị định thư

Mục đích của Nghị định thư này là nhằm ngăn ngừa và chống việc đưa người di cư trái phép, cũng như tăng cường việc hợp tác giữa các quốc gia thành viên để thực hiện mục đích này, đồng thời bảo vệ quyền lợi của những người di cư bị đưa đi trái phép.

Điều 3. Các thuật ngữ được sử dụng

Trong Nghị định thư này các thuật ngữ được sử dụng như sau:

(a) “Đưa người di cư trái phép” nghĩa là việc giao dịch, để đạt được trực tiếp hoặc gián tiếp lợi ích về tài chính hoặc lợi ích vật chất khác từ việc một người nhập cảnh trái phép vào một quốc gia thành viên mà người này không phải là công dân của quốc gia đó hoặc thường trú tại quốc gia đó;

(b) “Nhập cảnh trái phép” nghĩa là vượt qua biên giới mà không tuân thủ các yêu cầu cần thiết đối với việc nhập cảnh hợp pháp vào quốc gia tiếp nhận;

(c) “Giấy tờ thông hành hoặc nhận dạng gian lận” nghĩa là bất kỳ giấy tờ thông hành hay nhận dạng:

(i) Đã được làm giả hoặc sửa đổi bằng một cách hữu hình nào đó bởi một người không phải là cá nhân hay tổ chức được ủy quyền hợp pháp làm hoặc cấp giấy tờ thông hành hoặc nhận dạng thay mặt cho một quốc gia; hoặc

(ii) Đã được cấp hoặc lấy được không đúng cách thông qua việc xuyên tạc, hối lộ hoặc cưỡng ép hoặc bằng bất kỳ cách thức bất hợp pháp nào khác; hoặc

(iii) Do một người không phải là người nắm giữ hợp pháp sử dụng;

(d) “Tàu” nghĩa là bất kỳ một loại tàu thuỷ nào, kể cả tàu không có trọng lượng nước rẽ và thủy phi cơ, được sử dụng hoặc có thể được sử dụng như một phương tiện vận chuyển bằng đường thuỷ, ngoại trừ tàu chiến, các phương tiện của hải quân hoặc các loại tàu khác do nhà nước sở hữu hoặc vận hành và được dùng, trong thời gian hiện hành, chỉ để cho dịch vụ phi thương mại của chính phủ.

[...]