Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 28/09/2016
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:        /2017/NĐ-CP

Hà Nội, ngày      tháng       năm 2017

DỰ THẢO 1

 

 

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 59/2012/NĐ-CP NGÀY 23/7/2012 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (sau đây gọi là Nghị định số 59/2012/NĐ-CP) như sau:

1. Sửa đổi Điều 3 như sau:

“Điều 3. Mục đích theo dõi thi hành pháp luật

Theo dõi thi hành pháp luật là việc xem xét, đánh giá  hoạt động thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong bộ máy hành chính nhà nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, qua đó kịp thời chấn chỉnh hoặc áp dụng các biện pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo trật tự kỷ cương luật pháp và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội”.

2. Sửa đổi Điều 5 như sau:

“Điều 5. Phạm vi trách nhiệm theo dõi  thi hành pháp luật

1. Theo dõi chung về thi hành pháp luật

a) Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi chung về thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước;

b) Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm theo dõi chung về thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương.

2. Theo dõi thi hành pháp luật đối với lĩnh vực quản lý nhà nước do một hoặc nhiều bộ, cơ quan ngang bộ quản lý

a) Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm theo dõi thi hành pháp luật trong phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

b) Đối với lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của nhiều Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện việc theo dõi thi hành pháp luật.

3. Theo dõi thi hành pháp luật đối với từng văn bản quy phạm pháp luật

Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm theo dõi thi hành pháp luật đối với từng văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.

4. Theo dõi thi hành pháp luật đối với một vụ việc cụ thể

a) Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm theo dõi thi hành pháp luật đối với vụ việc thực thi pháp luật cụ thể phát sinh trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao; Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm theo dõi thi hành pháp luật đối với vụ việc thực thi pháp luật cụ thể phát sinh trong phạm vi quản lý ở địa phương;

b) Đối với vụ việc thực thi pháp luật cụ thể phát sinh liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành, địa phương thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức theo dõi thi hành pháp luật đối với vụ việc đó;

c) Đối với vụ việc thực thi pháp luật cụ thể phát sinh liên quan đến nhiều Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã ở địa phương thì Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã tổ chức theo dõi thi hành pháp luật đối với vụ việc đó”.

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 6 như sau:

“3. Căn cứ điều kiện cụ thể và yêu cầu của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp huy động Hội luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam và các Đoàn luật sư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hội xã hội, nghề nghiệp, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, chuyên gia, nhà khoa học có đủ điều kiện tham gia hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo cơ chế cộng tác viên.

a) Cộng tác viên theo dõi thi hành pháp luật là chuyên gia, nhà khoa học, người am hiểu chuyên môn về ngành, lĩnh vực cần theo dõi thi hành pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; hoạt động theo cơ chế khoán việc hoặc hợp đồng có thời hạn;

[...]