Nghị định 63/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin

Số hiệu 63/2007/NĐ-CP
Ngày ban hành 10/04/2007
Ngày có hiệu lực 18/05/2007
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Vi phạm hành chính

CHÍNH PHỦ
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
*******

SỐ: 63/2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 10  tháng 4  năm 2007

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt và thẩm quyền xử phạt hành chính trong ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (sau đây gọi tắt là công nghệ thông tin).

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin quy định tại Chương II Nghị định này là hành vi của tổ chức, cá nhân cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.

3. Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin không trực tiếp quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính về công nghệ thông tin thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính về công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì bị xử phạt hành chính như tổ chức, cá nhân Việt Nam. Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

2. Người chưa thành niên có hành vi vi phạm hành chính về công nghệ thông tin thì xử lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 và Điều 7 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt

1. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính về công nghệ thông tin phải do người có thẩm quyền quy định tại các Điều 22, 23, 24 và 25 Nghị định này tiến hành theo đúng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

2. Mọi hành vi vi phạm hành chính về công nghệ thông tin khi được phát hiện phải đình chỉ ngay. Việc xử phạt phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

3. Một hành vi vi phạm hành chính về công nghệ thông tin chỉ bị xử phạt một lần. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính về công nghệ thông tin thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính về công nghệ thông tin thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

4. Việc xử phạt vi phạm hành chính về công nghệ thông tin phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính để quyết định hình thức, biện pháp, mức xử phạt thích hợp.

5. Không xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Điều 4. Thời hiệu xử phạt

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về công nghệ thông tin là một năm kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.

Đối với hành vi vi phạm quy định về giá, phí, lệ phí, xuất nhập khẩu, sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì thời hiệu xử phạt vi phạm được thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Đối với cá nhân bị khởi tố, truy tố hoặc quyết định đưa vụ án về công nghệ thông tin ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính thì bị xử phạt vi phạm hành chính; trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định cho người có thẩm quyền xử phạt; trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 03 tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.

3. Quá thời hạn nêu tại các khoản 1 và 2 Điều này thì không xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này.

4. Trong thời hạn được quy định tại khoản 1 và 2 Điều này nếu tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm hành chính trong cùng lĩnh vực trước đây đã vi phạm hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Điều 5. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả

[...]