Nghị định 47-NĐ năm 1958 ban hành điều lệ tạm thời về việc đăng ký các phương tiện vận tải đường sông, thuyền buồm đi biển và việc quản lý các kinh doanh vận tải bằng những phương tiện ấy do Bộ Giao Thông và Bưu Điện ban hành

Số hiệu 47-NĐ
Ngày ban hành 12/06/1958
Ngày có hiệu lực 01/07/1958
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông và Bưu điện
Người ký Nguyễn Văn Trân
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 47-NĐ

Hà Nội, ngày 12 tháng 06 năm 1958 

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ CÁC PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI ĐƯỜNG SÔNG, THUYỀN BUỒM ĐI BIỂN VÀ VIỆC QUẢN LÝ CÁC KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG NHỮNG PHƯƠNG TIỆN ẤY

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN

Căn cứ chính sách vận tải ban hành ngày 26-04-1955;
Căn cứ nghị định số 488-TTg ngày 30-03-1955 của Thủ tướng Chính phủ ban hành điều lệ đăng ký các kinh doanh công thương nghiệp;
Căn cứ điều lệ tạm thời về việc cho phép và đăng ký các kinh doanh vận tải ban hành ngày 21-11-1955;
Để đảm bảo thi hành đúng đắn chính sách vận tải, đảm bảo an toàn vận chuyển;
Theo đề nghị của Ông Giám đốc Cục Đường thủy và sau khi đã trao đổi ý kiến với Bộ Tư pháp và Bộ Công an.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành bản điều lệ tạm thời về việc đăng ký các phương tiện vận tải đường sông, thuyền buồm đi biển và việc quản lý các kinh doanh vận tải bằng những phương tiện ấy.

Điều 2. - Bản điều lệ này thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 1958. Tất cả những quy định trái với điều lệ này điều bãi bỏ.

Điều 3. – Các ông Chánh văn phòng Bộ Giao thông và Bưu điện, Giám đốc Cục Đường thủy, và các Ủy ban Hành chính các khu, thành phố, tỉnh chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

 

 

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
BỘ TRƯỞNG


 
 
Nguyễn Văn Trân

 ĐIỀU LỆ TẠM THỜI

VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ CÁC PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI ĐƯỜNG SÔNG, THUYỀN BUỒM ĐI BIỂN VÀ VIỆC QUẢN LÝ CÁC KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG NHỮNG PHƯƠNG TIỆN ẤY

Chương 1:

ĐĂNG KÝ VÀ KHÁM XÉT CÁC PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI

Điều 1. – Đóng phương tiện mới. Bất cứ ai muốn đóng một phương tiện vận tải thô sơ trọng tải trên một tấn để kinh doanh vận tải hay làm một phương tiện cơ giới bất luận lớn nhỏ đều phải làm đơn xin phép các cơ quan giao thông vận tải nói ở điều 9 và chỉ được khởi công sau khi đã được các cơ quan ấy cho phép.

Điều 2. – Phương tiện phải đăng ký và phương tiện không phải đăng ký. Tất cả các phương tiện vận tải thô sơ trọng tải trên một tấn và phương tiện vận tải cơ giới bất luận lớn hay nhỏ đều phải đăng ký trước khi sử dụng.

Những phương tiện sau đây không phải đăng ký ở ngành giao thông:

- Phà;

- Phương tiện thô sơ trọng tải từ một tấn trở xuống;

- Phương tiện thô sơ bất luận lớn hay nhỏ dùng vào việc làm ruộng, đánh cá, phòng lụt và thể thao.

Điều 3. – Đơn xin đăng ký

a) Muốn xin đăng ký một phương tiện thô sơ, người chủ phương tiện phải nộp:

- Đơn xin đăng ký có chính quyền địa phương (Ủy ban Hành chính xã, ban Cán sự hành chính khu phố) hay đồn Công an chứng nhận.

- Giấy phép đóng phương tiện nếu là phương tiện mới đóng;

- Giấy bán phương tiện hay một giấy tờ khác chứng thực phương tiện thuộc quyền sở hữu của người xin đăng ký.

b) Muốn xin đăng ký một phương tiện vận tải cơ giới và xin cấp giấy phép lưu hành thì ngoài những giấy tờ như trên, người chủ còn phải nộp những tài liệu về đặc điểm của phương tiện, những bản vẽ ghi rõ cách bố trí, sắp xếp các buồng máy, buồng hành khách, hầm chứa hàng v.v… Ngoài ra nếu cơ quan đăng ký đòi thêm những tài liệu khác về phương tiện, người chủ phải cung cấp đầy đủ. Trường hợp phương tiện mua ở nước ngoài thì người chủ còn phải nộp giấy biên lai thu thuế nhập khẩu.

Điều 4. - Số đăng ký và tên của phương tiện. Phương tiện vận tải đã đăng ký đều có số. Khi phương tiện thay đổi chủ hoặc đưa đến hoạt động ở một khu vực khác khu vực đã đăng ký, số đăng ký cũng không thay đổi.

[...]