BỘ
GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
44-NĐ
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 05 năm 1958
|
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI LUẬT ĐI ĐƯỜNG BỘ BAN HÀNH DO NGHỊ ĐỊNH SỐ 348-NĐ
NGÀY 03-12-1955
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG
VÀ BƯU ĐIỆN
Căn cứ Nghị định số 348-NĐ
ngày 03-12-1955 ban hành Luật đi đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 139/NĐ ngày 19-12-1955 sửa đổi điều 22 và điều 24 của Luật
đi đường bộ;
Theo đề nghị của Nha Giao thông và sau khi đã có ý kiến của Bộ Công an,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1.
Nay thêm vào Luật đi đường bộ một điều như sau:
Điều 1-b thêm – Chấp hành luật
– “Tất cả các loại xe cộ, bất luận là xe công hay xe tư, xe cơ giới
hay xe thô sơ, đều phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật đi đường bộ này.”
Điều 2.
– Nay bãi bỏ điều 31 trong Luật đi đường bộ.
Điều 3.
– Nay sửa đổi như sau các điều 6, 8, 10, 19, 20, 21, 32 và 41 trong Luật đi đường
bộ:
Điều 6 mới. – “Tốc độ - Người
lái xe lúc nào cũng phải làm chủ được tốc độ của xe. Trong những trường hợp dưới
đây, tốc độ xe phải giảm đến mức không nguy hiểm để có thể tránh được tai nạn
và nếu cần, xe phải đỗ hẳn lại:
- Qua các thành phố, thị xã,
thị trấn, các quãng đường có nhà làm sát lề đường, những nơi có đông người tụ họp;
- Qua cầu, qua giữa quãng đường
xấu, đường hẹp, đường ngoặt, vv…
- Khi không trông rõ đường vì
trời có sương mù hay mưa to, lúc trời đã sầm tối hay chưa sáng tỏ, xe không đi
đèn;
- Khi tránh hay vượt các xe
khác, khi tránh các chướng ngại vật trên đường;
- Ban đêm khi tắt đèn pha đi
đèn cốt.”
Điều 8 mới. – “Bánh xe – Xe
trâu, xe bò, xe ngựa bánh bằng sắt phải bảo đảm tiêu chuẩn.
60kg (trọng lượng xe và hàng
hóa xếp trên xe)
1cm (bề rộng tổng cộng của
các bánh xe)
và bề rộng tối thiểu của bánh
xe phải là 6cm.
Những xe đang dùng bề rộng của
bánh xe không đủ 6cm vẫn được phép dùng cho đến khi hỏng bánh.
Xe cơ giới bánh bằng xích
(Chenille) không được chạy trên đường ô tô trừ trường hợp đặc biệt được cơ quan
giao thông cho phép”.
Điều 10 mới. – “Đỗ xe - Nếu
không có lý do chính đáng, xe không được đỗ ở đường.
Xe đỗ ở đường phải hết sức
tránh làm cản trở sự đi lại trên đường và không được cản lối ra vào của các nhà
ở ven đường.
Trong các đường phố, xe không
được đỗ sát bờ hè nhưng không được đỗ cách bờ hè quá 20cm.
Trên đường trường nếu lề đường
rộng, xe phải đỗ hẳn ra lề đường.
Trong các thành phố, thị xã
và thị trấn, cấm xe cộ các loại đỗ:
- Cách đầu ngã ba, ngã tư dưới
5cm;
- Ở những chỗ đường ngoặt;
- Trong các hàng đanh;
- Gần những địa điểm đỗ của
các tàu điện và xe buýt.
Trên đường trường, xe cộ
không được đỗ:
- Cách gần ngã ba, ngã tư dưới
10mét;
- Trong cầu và gần đầu cầu;
- Gần đầu dốc và gần chỗ đường
cong nếu tầm nhìn cả hai phía bị che khuất trong vòng 50mét.
Khi xe đỗ, người lái xe không
được bỏ xe đi chỗ khác trước khi thi hành những biện pháp cần thiết để ngăn ngừa
tai nạn. Nếu vì bị hư hỏng hay vì tai nạn mà xe phải nằm đường, hàng hóa dỡ xuống
chưa kịp mang đi thì người lái xe phải thu xếp, bố trí để sự đi lại không bị cản
trở và nếu trời tối thì phải có đèn báo hiệu.”
Điều 19 mới. –
“Tốc độ tối đa - Trừ các xe chữa cháy, xe hộ đê, xe cứu thương, xe công an
và xe quân sự khi những xe đó thực sự có việc khẩn cấp, tất cả các loại xe cơ
giới không được chạy quá tốc độ quy định như sau:
a) Đường đồng bằng.
- Xe ô tô hạng nặng
40km 1 giờ
- Xe ô tô con và mô
tô 50km
- Xích lô máy và xe đạp
máy 25km
b) Đường đồi núi.
- Xe ô tô hạng nặng
20km 1 giờ
- Xe ô tô con và mô
tô 35km
- Xích lô máy và xe đạp
máy 15km
c) Trong các thành phố, thị
xã và thị trấn.
- Xe ô tô hạng nặng
15km 1 giờ
- Xe ô tô con và mô
tô 30km
- Xích lô máy và xe đạp
máy 12km
Ở các thành phố và thị xã,
tùy theo tình hình đường phố, Ủy ban hành chính có thể ấn định những tốc
độ tối đa thấp hơn mức trên để đảm bảo an toàn giao thông.
Trong các thành phố, thị xã
và thị trấn cũng như trên đường trường ở những nơi nào có biển hạn chế tốc độ
thì các xe phải tuyệt đối tuân theo.
Những xe không bị hạn chế tốc
độ nói ở trên phải mang dấu hiệu thống nhất cho mỗi loại để tiện việc kiểm
soát.”.
Điều 20 mới. – “Tránh xe – Khi
hai xe tránh nhau ở những quãng đường hẹp hay nguy hiểm thì cả hai xe đều phải
giảm tốc độ và nếu cần thì một xe phải đỗ hẳn lại cho xe kia đi. Xe nào muốn đi
trước thì phải làm hiệu xin đường (giơ tay lên hoặc nhấp nháy đèn) và phải chờ
cho xe kia ra hiệu bằng lòng nhường đường và đỗ lại rồi mới được đi.
Nếu đường hẹp chỉ đủ cho một
xe đi và có bố trí chỗ tránh thì xe nào gần chỗ tránh hơn phải lui về chỗ tránh
để nhường đường cho xe kia.
Tránh nhau ở giữa dốc hẹp thì
xe ở trên dốc xuống phải đỗ lại cho xe ở dưới dốc tiến lên.
Hai xe gặp nhau, xe nào thấy
bên đường đi của mình bị vướng thì phải đỗ lại nhường cho xe kia đi.
Ban đêm xe ô tô và mô tô gặp
các xe cộ khác đi ngược đường phải tắt đèn pha để đi đèn cốt”.
Điều 21 mới. – “Vượt - Muốn
vượt xe phải báo hiệu bằng còi. Ban đêm trong các thành phố, có thể báo hiệu bằng
cách nhấp nháy đèn pha. Xe đi trước nghe thấy còi hay thấy hiệu đèn đòi vượt phải
để cho xe sau vượt nếu không có gì trở ngại và nguy hiểm.
Nếu có thể cho vượt được, xe
đi trước từ từ lái sang bên phải và phải ra hiệu (tay đưa ngang) cho xe sau vượt.
Trong khi xe sau đang vượt, xe trước vẫn phải đi sát lề bên phải và tuyệt đối
không được tăng tốc độ.
Nếu không thể để cho vượt vì
phía trước có chướng ngại vật hay xe cộ đi lại hoặc vì bất cứ lý do gì khác thì
xe đi trước phải ra hiệu cho xe sau biết (tay đưa xuống theo chiều dọc).
Xe đi sau chỉ được vượt khi
đã thấy xe trước ra hiệu cho vượt nhưng phải chắc chắn phía trước không có chướng
ngại vật hay xe đi lại. Khi đã vượt được rồi, người lái xe phải từ từ
lái sang bên phải sau khi biết chắc chắn không nguy hiểm cho xe vừa bị vượt.
Tuyệt đối cấm xe vượt ở ngã ba,
ngã tư đường ở đầu dốc, chỗ đường cong, hẹp, nguy hiểm, ở trên cầu (trừ cầu có
chỗ dành riêng để vượt) và những khi không trông thấy rõ đường vì có
sương mù hay mưa to.
Trái với điều 3, khi vượt xe
điện đi ở giữa đường thì vượt bên phải. Nếu xe đang đỗ, có người lên xuống thì
không được vượt.”.
Điều 32 mới. – “Trọng tải - Xếp
hàng - Đối với xe trâu, xe bò, xe ngựa kể cả các xe bề rộng của bánh
không đủ 6cm và được phép sử dụng cho tới khi hỏng bánh, hàng hóa xếp trên xe
không được quá tiêu chuẩn 60kg/1cm quy định ở điều 8 trên.
Xe xích lô chở hàng hóa không
được chở nặng quá 150kg. Nếu chở người chỉ được chở nhiều nhất là 2 người lớn.
Trường hợp chở cả người và hàng hóa thì mức tối đa là 1 người lớn + 100kg hàng.
Hàng hóa không được xếp chờm
ra ngoài thùng xe và phải chằng buộc cẩn thận để tránh rơi vãi trong khi đi đường.
Xe trâu, xe bò, xe ngựa không được xếp hàng dài quá 10m và cao quá 2m tính từ mặt
đất.”.
Điều 41 mới. – “Tai nạn. Xe cộ
vi phạm luật lệ giao thông gây ra tai nạn thì người lái xe và chủ xe đều phải
chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại theo dân luật
chung.
Mỗi khi xảy ra tai nạn, xe cộ
phải để nguyên ở hiện trường, người lái xe dù vô sự cũng phải có mặt tại chỗ để
chờ nhân viên có thẩm quyền đến lập biên bản.
Xe ô tô qua nơi xảy ra tai nạn
có người bị thương cần phải cấp cứu có nhiệm vụ chở người bị thương đến trạm cấp
cứu hay bệnh viện gần nhất trừ những xe chữa cháy, xe hộ đê, xe của các cơ quan
Quân sự, Công an trong trường hợp các xe đó đang có nhiệm vụ khẩn cấp. Người trốn
tránh nhiệm vụ tải thương sẽ bị xử phạt theo hình luật chung.
Xe chở hàng hóa và xe chở
hành khách, bất luận là xe dùng riêng hay xe kinh doanh vận tải, dù đã đủ số
hành khách được phép chở hay đã xếp hàng đến mức tối đa ấn định cũng không
được từ chối chở người bị thương. Trong trường hợp này xe được chở thêm 1/10 số
hành khách được phép chở hoặc 1/20 trọng tải tối đa của xe mà không coi là vi
phạm điều 13 và điều 32 trên. Nếu số người bị thương nhiều, trọng lượng tổng cộng
quá mức 1/10 xe được chở thêm (mỗi người tính 50kg) thì một số hành khách phải
xuống xe hay một số hàng hóa phải dỡ xuống để đảm bảo xe chở được hết số người
bị thương mà không vượt mức được chở thêm”.
Điều 4.
Các ông Chánh văn phòng Bộ Giao thông và Bưu điện và Giám đốc Nha Giao thông, Ủy
ban hành chính các khu, tỉnh và thành phố có nhiệm vụ thi hành Nghị định
này.
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ
GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Hữu Mai
|