Nghị định 410-TTg năm 1957 về "Mười chính sách khuyến khích sản xuất ở miền núi" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 410-TTg
Ngày ban hành 06/09/1957
Ngày có hiệu lực 21/09/1957
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 410-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 09 năm 1957 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH "MƯỜI CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH SẢN XUẤT Ở MIỀN NÚI"

 THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ đề nghị của Bộ Nông lâm, đã được Hội đồng Chính phủ thông qua trong phiên họp ngày 19,20, 21 tháng 8 năm 1957.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Để tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh sản xuất, dần dần cải thiện đời sống cho nhân dân các dân tộc thiểu số, nay ban hành “Mười chính sách khuyến khích sản xuất ở miền núi”.

Điều 2. - Các Bộ Nông lâm, Tài chính, Giao thông và Bưu điện, Thủy lợi và Kiến trúc, Thương nghiệp, Tư pháp ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết việc thi hành mười chính sách này.

Điều 3. - Các ông Bộ trưởng Bộ Nông lâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng bộ Giao thông và Bưu điện, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Kiến trúc, Bộ trưởng Bộ thương nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

 
Phạm Văn Đồng

 

MƯỜI CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH SẢN XUẤT Ở MIỀN NÚI

Để tăng cường đoàn kết và đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống cho nhân dân miền núi, góp phần bảo đảm cung cấp và xây dựng nước nhà, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định mười chính sách khuyến khích sản xuất dưới đây để áp dụng cho các dân tộc thiểu số và đồng bào kinh sống trong các vùng dân tộc thiểu số:

1) Khuyến khích cày cấy ruộng bỏ hoang và khai hoang:

- Ai muốn cày cấy ruộng bỏ hoang thì báo cáo với Ủy ban Hành chính và Nông hội xã. Ủy ban và Nông hội xã có trách nhiệm thương lượng với chủ ruộng cho ổn thỏa, bảo đảm đoàn kết dân tộc. Người cày cấy được thu toàn bộ hoa lợi, được miễn thuế nông nghiệp từ ba đến năm năm, và được quyền sở hữu ruộng đất cày cấy nếu ruộng đất ấy đã trở thành ruộng đất công.

- Ai khai phá đất hoang, biến bãi bằng, thung lũng, sườn đồi, nương ót thành ruộng sẽ được miễn thuế nông nghiệp bảy năm. Người khai phá phải xin phép Ủy ban Hành chính xã và được quyền sở hữu ruộng đất cày cấy.

- Đồng bào chuyên sống về nương rẫy chuyển xuống làm ruộng được miễn thuế nông nghiệp hai năm nếu làm ruộng thuộc: nếu làm ruộng bỏ hoang thì được miễn thuế từ ba đến sáu năm, tùy điều kiện canh tác khó hay dễ, nếu là đất hoang chưa ai khai phá thì được miễn thuế bảy năm. Chính phủ sẽ giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật và sẽ tùy khả năng cho những gia đình túng thiếu vay vốn để tạo trâu, bò, nông cụ…

- Ruộng đất bỏ hoang không có lý do chính đáng được nhân dân địa phương xác nhận thì không miễn thuế.

- Mọi việc huy động dân công, nên tránh huy động vào những vụ sản xuất chính của mỗi dân tộc, đồng thời phải giúp đỡ sắp xếp công việc làm ăn giữa những người đi dân cộng và những người ở nhà.

2) Chăm bón tốt thêm, tăng thêm vụ không phải đóng thuế thêm:

Chính phủ khuyến khích nông dân cải tiến cách làm ăn. Nếu do chăm bón ruộng đất, nương rẫy kỹ hơn, trồng cây thêm vụ, trồng những thứ cây có lợi nhiều, nhờ làm mương phai, đập hoặc cải tiến nông cụ, mà thu hoạch nhiều hơn sản lượng thường năm, thuế vẫn tính theo sản lượng thường năm.

3) Khuyến khích trồng cây ăn quả, cây công nghệ:

- Những cây ăn quả và những cây công nghệ trồng có tính chất tự túc, góp một phần vào sinh sống của gia đình thì được miễn thuế.

- Đối với những thứ hoa mầu phụ, cây công nghệ thu hoạch từng vụ, từng năm trồng trên các nương rẫy cũ, không kể nhiều hay ít đều được miễn thuế nông nghiệp 3 năm, kể từ khi có thu hoạch.

- Trồng sa nhân, dược thảo thì không phải nộp thuế.

4) Khuyến khích làm rẫy hợp lý, trồng cây gây rừng:

- Để bảo vệ rừng, bảo vệ đầu nguồn, chống lũ, chống hạn. Chính phủ khuyến khích nhân dân ra sức chăm bón và canh tác nương rẫy cũ, giảm dần việc phát nương rẫy mới, tránh phát rẫy vào đầu nguồn nước, vào rừng có lâm sản quý, không phát rẫy thành những vùng rộng lớn, không phát vào sườn núi dốc ở ven đường giao thông, không làm cháy rừng.

[...]