Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị định 370-HĐBT năm 1991 ban hành Quy chế đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

Số hiệu 370-HĐBT
Ngày ban hành 09/11/1991
Ngày có hiệu lực 09/11/1991
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 370-HĐBT

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 1991

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 370-HĐBT NGÀY 9-11-1991 BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội dồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành Quy chế về đưa người lao động Việt nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài kèm theo Nghị định này.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

VỀ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Nghị định số 370-HĐBT ngày 9-11-1991 của Hội đồng Bộ trưởng)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một hướng giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước; góp phần tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế - văn hoá khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam với những nước sử dụng lao động theo nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi, tôn trọng pháp luật và truyền thống dân tộc của nhau.

Điều 2. Việc đưa người lao động đi làm việc nói ở Điều 1 được thực hiện theo các Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài (nếu có); theo các hợp đồng cung ứng lao động giữa các tổ chức kinh tế Việt Nam với các tổ chức kinh tế hoặc cá nhân người nước ngoài; theo các hợp đồng lao động giữa người lao động với các tổ chức kinh tế Việt Nam, hoặc các tổ chức kinh tế và cá nhân người nước ngoài (gọi tắt là bên sử dụng lao động), trên cơ sở pháp luật của Việt Nam và pháp luật của nước có người Việt Nam đến làm việc, phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam và nước sử dụng lao động ký kết hoặc tham gia theo nguyên tắc các bên cùng có lợi và cùng chịu trách nhiệm.

Điều 3. Việc đưa người lao động đi làm việc phải bảo đảm lợi ích của Nhà nước Việt Nam, quyền lợi của người lao động theo chính sách của Nhà nước, quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm về tài chính của các tổ chức kinh tế đưa người đi làm việc.

Điều 4. Đối tượng và hình thức đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được quy định như sau:

1. Đối tượng đi làm việc bao gồm những người có nghề hoặc chưa có nghề, học sinh mới tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp trong và ngoài nước; người làm công tác khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, quản lý, kể cả người đi làm chuyên gia (trừ một số nghề và công việc đặc biệt Nhà nước không cho phép làm việc ở nước ngoài).

Những người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các Hiệp định hợp tác khoa học kỹ thuật và hợp tác đào tạo do nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế tài trợ hoặc những người đi làm cho các tổ chức quốc tế phi kinh tế ở nước ngoài không thuộc đối tượng chấp hành của Quy chế này.

2. Việc tổ chức người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể thực hiện dưới các hình thức như đội, tổ hoặc cá nhân, đi làm việc độc lập hoặc xen ghép với người nước ngoài; nhận khoán khối lượng công việc; nhận khai thác, sản xuất chia sản phẩm; nhận thầu công trình xây dựng và các hình thức khác phù hợp với yêu cầu của bên sử dụng lao động ở nước ngoài.

Chương 2:

QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Điều 5. Những đối tượng đi làm việc nói ở điều 4 phải là những công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên (không phân biệt giới tính) có đủ năng lực pháp lý và năng lực hành vi, chấp hành đầy đủ nghĩa vụ công dân theo pháp luật và tự nguyện đi làm việc.

Điều 6. Người lao động có những quyền lợi sau:

1. Khi ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài với tổ chức kinh tế đưa đi và ký hợp đồng lao động với bên sử dụng lao động, người lao động có quyền yêu cầu được cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin về việc làm, nơi làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện làm việc, ăn, ở và nghỉ ngơi, chế độ tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội và những điều kiện cần thiết khác.

2. Được hưởng các quyền lợi ghi trong hợp đồng đã được hai bên ký kết và các văn bản khác có liên quan mà Nhà nước ta và nước ngoài đã thoả thuận.

[...]