Nghị định 31/CP năm 1996 về Tổ chức và hoạt động của Công chứng nhà nước của Chính phủ

Số hiệu 31/CP
Ngày ban hành 18/05/1996
Ngày có hiệu lực 18/05/1996
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31/CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 1996

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 31/CP NGÀY 18 THÁNG 5 NĂM 1996 VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG NHÀ NƯỚC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để tăng cường công tác hành chính - tư pháp và quản lý xã hội bằng pháp luật;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Công chứng là việc chứng nhận tính xác thực của các hợp đồng và giấy tờ theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội (sau đây gọi chung là tổ chức), góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Các hợp đồng và giấy tờ đã được Công chứng Nhà nước chứng nhận hoặc Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền chứng thực có giá trị chứng cứ, trừ trường hợp bị Toà án Nhân dân tuyên bố là vô hiệu.

Điều 2.- Khi thực hiện công chứng, công chứng viên phải tuân theo các nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định trong Nghị định này, các quy định khác của pháp luật và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia hoặc ký kết.

Điều 3.- Tiếng nói, chữ viết dùng trong công chứng là tiếng Việt, chữ Việt.

Người nước ngoài yêu cầu công chứng mà không thông thạo tiếng Việt thì phải có người phiên dịch.

Điều 4.- Công chứng viên, các nhân viên khác của Phòng Công chứng Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ của mình phải bảo đảm công minh, đúng pháp luật; có trách nhiệm giữ bí mật về người đến yêu cầu công chứng, nội dung công chứng, những sự việc mà mình được biết có liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của người đến yêu cầu công chứng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 5.- Công dân, tổ chức có thể yêu cầu công chứng tại bất kỳ Phòng Công chứng Nhà nước nào, trừ việc công chứng mà theo quy định của pháp luật phải thực hiện tại một Phòng Công chứng Nhà nước nhất định.

Việc công chứng được thực hiện tại trụ sở của Phòng Công chứng Nhà nước, trừ trường hợp người yêu cầu công chứng không thể đến trụ sở của Phòng Công chứng Nhà nước vì lý do chính đáng hoặc do pháp luật quy định.

Điều 6.- Người yêu cầu công chứng phải là người có năng lực hành vi theo quy định của pháp luật và phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ, tài liệu hợp pháp cho việc thực hiện công chứng.

Điều 7.- Nội dung công chứng phải được thể hiện rõ ràng và theo đúng mẫu thống nhất do Bộ Tư pháp quy định.

Các văn bản công chứng phải được công chứng viên ký, đóng dấu và ghi vào sổ công chứng.

Điều 8.- Người yêu cầu công chứng phải nộp lệ phí công chứng khi việc công chứng đã được thực hiện.

Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định mức thu lệ phí đối với từng loại việc công chứng cụ thể và phương thức quản ký, sử dụng lệ phí công chứng.

Chương 2:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC CÔNG CHỨNG

Điều 9.- Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về công chứng trong phạm vi cả nước.

Bộ Tư pháp thực hiện quản lý Nhà nước đối với công tác công chứng và có những quyền hạn, nhiệm vụ sau đây:

1. Trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn về tổ chức và hoạt động công chứng;

2. Hướng dẫn, chỉ đạo về tổ chức, hoạt động nhiệp vụ công chứng;

3. Bổ nhiệm công chứng viên theo dề nghị của Giám đốc sở Tư pháp và cấp thẻ công chứng viên;

4. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng cho công chứng viên;

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ