CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
20/2002/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 2 năm 2002
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 20/2002/NĐ-CP NGÀY 20 THÁNG 02 NĂM 2002 VỀ
KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN THỎA THUẬN QUỐC TẾ CỦA CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG
ƯƠNG, CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI, TỔ CHỨC XÃ HỘI VÀ TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ
NGHIỆP CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và ủy
ban nhân dân ở mỗi cấp ngày 03 tháng 7 năm 1996;
Thực hiện Điều 34 của Pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế ngày
20 tháng 8 năm 1998;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Đối
tượng và phạm vi áp dụng
1. Nghị định này quy định thẩm
quyền, trình tự, thủ tục về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế do các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là tỉnh, thành) ký kết với các đơn
vị hành chính tương đương hoặc tổ chức nước ngoài, hoặc do các tổ chức
chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam
(sau đây gọi là tổ chức) ký kết với các tổ chức nước ngoài, với danh nghĩa của
tỉnh, thành hoặc tổ chức đó.
2. Nghị định này không áp dụng đối
với những điều ước quốc tế do tỉnh, thành hoặc tổ chức ký kết theo ủy quyền của
Chính phủ.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
Trong Nghị định này, những từ ngữ
dưới đây được hiểu như sau :
1. "Thỏa thuận quốc tế"
là văn bản được ký kết giữa tỉnh, thành với đơn vị hành chính tương
đương hoặc tổ chức nước ngoài, giữa tổ chức với tổ chức nước
ngoài, với các tên gọi như Thoả thuận, Bản ghi nhớ, Biên bản trao đổi, Kế hoạch
hợp tác hoặc các tên gọi khác. Thoả thuận quốc tế quy định tại Nghị định này
không phải là Điều ước quốc tế của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. "Tỉnh, thành" được
hiểu là Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam.
3. "Tổ chức" được hiểu
là cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ
chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam.
4. "Ký kết" là việc tỉnh,
thành hoặc tổ chức thực hiện hành vi pháp lý từ đàm phán, ký hoặc gia nhập thoả
thuận quốc tế cho đến khi thoả thuận quốc tế có hiệu lực.
5. "Gia nhập" là việc
tỉnh, thành hoặc tổ chức thực hiện hành vi pháp lý chấp nhận hiệu lực của thoả
thuận quốc tế nhiều bên đối với tỉnh, thành hoặc tổ chức đó.
6. "Đình chỉ hiệu lực"
là việc tỉnh, thành hoặc tổ chức tạm ngừng thực hiện toàn bộ hoặc một phần thoả
thuận quốc tế đã ký kết.
7. "Bãi bỏ" là việc tỉnh,
thành hoặc tổ chức từ bỏ hiệu lực của thoả thuận quốc tế đã ký kết.
Điều 3.
Nguyên tắc ký kết thoả thuận quốc tế
1. Thoả thuận quốc tế được ký kết
theo các quy định của Nghị định này phải tuân thủ Hiến pháp, các văn bản quy phạm
pháp luật do Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành ban
hành; phải phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, Điều ước quốc
tế đã được ký kết trong cùng lĩnh vực hợp tác của nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, nhiệm vụ, quyền hạn của tỉnh, thành và điều lệ, mục đích hoạt động
của tổ chức.
2. Thoả thuận quốc tế được ký kết
trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng giữa các bên ký kết và theo thẩm quyền, trình tự,
thủ tục phù hợp với các quy định của Nghị định này.
3. Thoả thuận quốc tế được ký kết
với danh nghĩa tỉnh, thành hoặc tổ chức chỉ có giá trị ràng buộc với tỉnh,
thành hoặc tổ chức đã ký kết thỏa thuận quốc tế đó.
Chương 2:
THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ VÀ
THỦ TỤC KÝ KẾT THOẢ THUẬN QUỐC TẾ
Điều 4. Thẩm
quyền quyết định việc ký kết thoả thuận quốc tế của tỉnh, thành
1. Tỉnh, thành quyết định việc
ký kết thoả thuận quốc tế với đơn vị hành chính tương đương hoặc tổ chức nước
ngoài có quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam về những vấn đề liên quan đến
lĩnh vực thuộc thẩm quyền của mình được quy định tại Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền
hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ở mỗi cấp ngày 03 tháng 7
năm 1996, theo trình tự và thủ tục quy định tại Điều 5 Nghị định này.
2. Tỉnh, thành phải trình Thủ tướng
Chính phủ quyết định việc ký kết thoả thuận quốc tế không được quy định
tại khoản 1 Điều này, theo trình tự và thủ tục quy định tại Điều 6 Nghị
định này.
Điều 5.
Trình tự và thủ tục tiến hành ký kết thoả thuận quốc tế thuộc thẩm quyền quyết
định của tỉnh, thành
1. Trước khi tiến hành ký kết
thoả thuận quốc tế quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này, tỉnh, thành phải
lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và Bộ, ngành quản lý lĩnh vực hợp
tác.
2. Văn bản lấy ý kiến gồm những
nội dung sau :
a) Yêu cầu, mục đích của việc ký
kết thoả thuận quốc tế, nội dung cơ bản của thoả thuận quốc tế, dự thảo thoả
thuận quốc tế bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng nước ngoài có bản dịch tiếng Việt
kèm theo;
b) Đánh giá tác động của thoả
thuận quốc tế dự định ký kết về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, tài chính và
các tác động khác.
3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, các Bộ, ngành được hỏi ý kiến có trách nhiệm
trả lời bằng văn bản. Trường hợp cần có thêm thời gian để thẩm định về bên ký kết
nước ngoài, các Bộ, ngành phải thông báo bằng văn bản cho tỉnh, thành.
4. Tỉnh, thành tiến hành ký kết
thoả thuận quốc tế, sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và Bộ,
ngành quản lý lĩnh vực hợp tác.
Điều 6.
Trình tự và thủ tục tiến hành ký kết thoả thuận quốc tế phải trình Thủ tướng
Chính phủ quyết định
1. Trước khi trình Thủ tướng
Chính phủ quyết định việc ký kết thoả thuận quốc tế theo quy định tại khoản 2
Điều 4 Nghị định này, tỉnh, thành phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại
giao và Bộ, ngành quản lý lĩnh vực hợp tác theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị
định này.
2. Văn bản trình
Thủ tướng Chính phủ gồm những nội dung sau :
a) Yêu cầu, mục đích của
việc ký kết thoả thuận quốc tế, nội dung cơ bản của thoả thuận quốc tế, dự thảo
thoả thuận quốc tế bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng nước ngoài có bản dịch tiếng
Việt kèm theo;
b) Đánh giá tác động của
thoả thuận quốc tế dự định ký kết về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, tài chính
và các tác động khác;
c) Ý kiến góp ý bằng văn bản của
Bộ Ngoại giao và Bộ, ngành quản lý lĩnh vực hợp tác.
3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ
ngày nhận được văn bản xin phép, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến bằng văn bản về
việc cho phép hay không cho phép ký kết thoả thuận quốc tế đó.
4. Tỉnh, thành chỉ được tiến
hành ký kết thoả thuận quốc tế theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này,
sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 7. Thẩm
quyền quyết định việc ký kết thoả thuận quốc tế của tổ chức
Căn cứ vào mục đích, nhiệm vụ và
quyền hạn của mình, tổ chức trình cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức
đó quyết định việc ký kết thoả thuận quốc tế với tổ chức nước ngoài có
quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam, theo trình tự và thủ tục quy định tại Điều
8 Nghị định này.
Điều 8.
Trình tự và thủ tục tiến hành ký kết thoả thuận quốc tế của tổ chức
1. Trước khi trình cơ quan quản
lý hoạt động đối ngoại quyết định việc ký kết thoả thuận quốc tế quy định tại
Điều 7 Nghị định này, tổ chức phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và
Bộ, ngành quản lý lĩnh vực hợp tác.
2. Văn bản lấy ý kiến Bộ Ngoại
giao và Bộ, ngành quản lý lĩnh vực hợp tác gồm những nội dung sau:
a) Yêu cầu, mục đích của việc ký
kết thoả thuận quốc tế, nội dung cơ bản của thoả thuận quốc tế, dự thảo thoả
thuận quốc tế bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng nước ngoài có bản dịch tiếng Việt
kèm theo;
b) Đánh giá tác động của thoả
thuận quốc tế dự định ký kết về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, tài chính và
các tác động khác.
3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, các Bộ, ngành được hỏi ý kiến có trách nhiệm
trả lời bằng văn bản. Trường hợp cần có thêm thời gian để thẩm định về đối tác
nước ngoài, cơ quan được hỏi ý kiến phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức.
4. Sau khi có ý kiến bằng văn bản
của các Bộ, ngành nêu tại khoản 3 Điều này, tổ chức trình cơ quan quản lý hoạt
động đối ngoại của mình văn bản xin ý kiến quyết định việc ký kết thoả thuận quốc
tế với những nội dung sau :
a) Yêu cầu, mục đích của việc ký
kết thoả thuận quốc tế, nội dung cơ bản của thoả thuận quốc tế, dự thảo thoả
thuận quốc tế bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng nước ngoài có bản dịch tiếng Việt
kèm theo;
b) Đánh giá tác động của thoả
thuận quốc tế dự định ký kết về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, tài chính và
các tác động khác;
c) ý kiến góp ý bằng văn bản của
Bộ Ngoại giao và Bộ, ngành quản lý lĩnh vực hợp tác.
5. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ
ngày nhận được văn bản xin phép, cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại ra quyết định
cho phép hoặc không cho phép ký kết thoả thuận quốc tế nêu tại Điều 7 Nghị định
này.
6. Tổ chức chỉ được tiến hành ký
kết thoả thuận quốc tế sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản
lý hoạt động đối ngoại của tổ chức đó.
Chương 3:
THỰC HIỆN THỎA THUẬN QUỐC
TẾ
Điều 9. Hiệu
lực của thoả thuận quốc tế
1. Thoả thuận quốc tế có hiệu lực
theo quy định nêu trong văn bản thoả thuận đó.
2. Trong trường hợp tại
văn bản thoả thuận không có quy định về hiệu lực, thoả thuận sẽ có hiệu lực
theo điều kiện được thống nhất giữa các bên ký kết.
Điều 10. Quản
lý, lưu trữ thoả thuận quốc tế
Tỉnh, thành và tổ chức có trách
nhiệm quản lý, lưu trữ bản gốc các thoả thuận quốc tế.
Điều 11.
Sao lục thoả thuận quốc tế
1. Tỉnh, thành có trách nhiệm
sao lục các thỏa thuận quốc tế mà mình đã ký kết gửi Chính phủ để báo cáo và gửi
các Bộ, ngành hữu quan để phối hợp.
2. Tổ chức có trách nhiệm sao lục
các thỏa thuận quốc tế mà mình đã ký kết gửi cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại
để báo cáo và gửi các Bộ, ngành hữu quan để phối hợp.
3. Trong trường hợp thoả thuận
quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài, tỉnh, thành và tổ chức có trách nhiệm
gửi kèm theo bản dịch tiếng Việt của thoả thuận đó.
Điều 12. Sửa
đổi, bổ sung hoặc gia hạn thoả thuận quốc tế
1. Thẩm quyền, trình tự và thủ tục
liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn thoả thuận quốc tế được thực
hiện như các quy định tại Nghị định này đối với thẩm quyền, trình tự và thủ tục
ký kết thoả thuận quốc tế.
2. Cơ quan đã quyết định việc ký
kết thoả thuận quốc tế nêu trong Điều 4 và Điều 7 Nghị định này, có quyền quyết
định sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn thoả thuận quốc tế đó.
3. Văn bản lấy ý kiến của các Bộ,
ngành hữu quan đối với việc sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn thoả thuận quốc tế gồm
những nội dung sau :
a) Yêu cầu, mục đích và hiệu quả
của việc sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn thoả thuận quốc tế; nội dung của những sửa
đổi, bổ sung hoặc gia hạn;
b) Cơ sở pháp lý của việc sửa đổi,
bổ sung hoặc gia hạn thoả thuận quốc tế;
Văn bản đề nghị về sửa đổi, bổ
sung hoặc gia hạn thoả thuận quốc tế phải được kèm theo bản sao của thoả thuận
quốc tế đó.
4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, các Bộ, ngành được hỏi ý kiến có trách nhiệm
trả lời bằng văn bản.
5. Văn bản trình Thủ tướng Chính
phủ hoặc cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại quyết định việc sửa đổi, bổ sung
hoặc gia hạn thoả thuận quốc tế gồm những nội dung quy định tại các điểm a và b
khoản 3 Điều này, ý kiến của các Bộ, ngành hữu quan nêu tại khoản 4 Điều này và
kèm theo bản sao của thoả thuận quốc tế đó.
6. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày nhận được ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan
quản lý hoạt động đối ngoại, tỉnh, thành hoặc tổ chức thông báo cho các bên ký
kết nước ngoài về việc sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn thoả thuận quốc tế đó và
tiến hành các thủ tục cần thiết có liên quan.
Điều 13.
Đình chỉ hiệu lực hoặc bãi bỏ thoả thuận quốc tế
1. Thoả thuận quốc tế có thể bị
đình chỉ hiệu lực hoặc bãi bỏ trong các trường hợp sau:
a) Theo quy định của chính thoả
thuận đó;
b) Khi có sự vi phạm các nguyên
tắc ký kết được nêu tại Điều 3 Nghị định này hoặc có sự vi phạm nghiêm trọng thỏa
thuận quốc tế của bên ký kết nước ngoài.
2. Thẩm quyền, trình tự và thủ tục
liên quan đến việc đình chỉ hiệu lực hoặc bãi bỏ thoả thuận quốc tế được thực
hiện như các quy định tại Nghị định này đối với thẩm quyền, trình tự và thủ tục
ký kết thoả thuận quốc tế.
3. Cơ quan đã quyết định việc ký
kết thoả thuận quốc tế nêu trong Điều 4 và Điều 7 Nghị định này, có quyền quyết
định đình chỉ hiệu lực hoặc bãi bỏ thoả thuận quốc tế đó.
4. Văn bản lấy ý kiến của các Bộ,
ngành hữu quan đối với việc đình chỉ hiệu lực hoặc bãi bỏ thoả thuận quốc tế gồm
những nội dung sau :
a) Lý do, cơ sở pháp lý của việc
đình chỉ hiệu lực hoặc bãi bỏ thoả thuận quốc tế;
b) Hệ quả pháp lý của việc đình
chỉ hiệu lực hoặc bãi bỏ thoả thuận quốc tế;
Văn bản đề nghị đình chỉ hiệu lực
hoặc bãi bỏ thoả thuận quốc tế phải được kèm theo bản sao của thoả thuận quốc tế
đó.
5. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, các Bộ, ngành được hỏi ý kiến có trách nhiệm
trả lời bằng văn bản.
6. Văn bản trình Thủ tướng Chính
phủ hoặc cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại quyết định việc đình chỉ hiệu lực
hoặc bãi bỏ thoả thuận quốc tế gồm những nội dung quy định tại các điểm a và b
khoản 4 Điều này, ý kiến của các Bộ, ngành hữu quan nêu tại khoản 5 Điều này và
kèm theo bản sao của thoả thuận quốc tế đó.
7. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày nhận được ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan
quản lý hoạt động đối ngoại, tỉnh, thành hoặc tổ chức thông báo cho bên ký kết
nước ngoài về việc đình chỉ hiệu lực hoặc bãi bỏ thoả thuận quốc tế đó và tiến
hành các thủ tục cần thiết có liên quan.
Chương 4:
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI
VIỆC KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN THOẢ THUẬN QUỐC TẾ
Điều 14. Nội
dung quản lý nhà nước về ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế
1. Ban hành các văn bản quy phạm
pháp luật về ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế.
2. Tổ chức và bảo đảm thực hiện
thoả thuận quốc tế.
3. Tuyên truyền, phổ biến và hướng
dẫn thi hành pháp luật về ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế.
4. Thống kê về thoả thuận quốc tế.
5. Tổ chức lưu trữ, sao lục thoả
thuận quốc tế.
6. Giám sát, kiểm tra, thanh tra
và xử lý vi phạm các quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện thoả thuận
quốc tế.
7. Giải quyết khiếu nại, tố cáo
liên quan tới việc ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế.
Điều 15. Cơ
quan quản lý nhà nước về ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế
1. Bộ Ngoại giao chủ trì,
phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, giúp Chính phủ thực hiện chức năng
quản lý nhà nước về ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế của tỉnh, thành và tổ
chức. Hàng năm, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình
hình ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế của các tỉnh, thành và tổ chức.
2. Tỉnh, thành có trách nhiệm
báo cáo Bộ Ngoại giao và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc ký kết và thực
hiện thoả thuận quốc tế với danh nghĩa tỉnh, thành theo định kỳ vào tháng 9
hàng năm. Trong báo cáo cần nêu rõ những khó khăn, thuận lợi và kiến nghị những
biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả việc hợp tác quốc tế và thực hiện
nghiêm chỉnh các thoả thuận quốc tế mà mình đã ký kết.
3. Tổ chức có trách nhiệm báo
cáo Bộ Ngoại giao, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và cơ quan quản lý hoạt động
đối ngoại của tổ chức về việc ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế với danh
nghĩa của tổ chức theo định kỳ vào tháng 9 hàng năm. Trong báo cáo cần nêu rõ
những khó khăn, thuận lợi và kiến nghị những biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu
quả việc hợp tác quốc tế và thực hiện nghiêm chỉnh các thoả thuận quốc tế mà
mình đã ký kết.
Điều 16. Xử
lý vi phạm
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có
hành vi vi phạm quy định của Nghị định này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp
luật.
Điều 17. Hiệu
lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
2. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm
chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Ban Đối ngoại Trung
ương Đảng hướng dẫn thi hành Nghị định này.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh,
thành và người đứng đầu tổ chức chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.