Nghị định 187-CP năm 1963 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 187-CP
Ngày ban hành 20/12/1963
Ngày có hiệu lực 04/01/1964
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 187-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 1963 

 

 NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BỘ LAO ĐỘNG  

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14 tháng 07 năm 1960;
Căn cứ nghị định số 31-CP ngày 20-03-1963 của Hội đồng Chính phủ về việc điều chỉnh một số nhiệm vụ giữa bộ Nội vụ, bộ Lao động, bộ Công an, bộ Y tế và Tổng Công đoàn Việt Nam,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. – Bộ Lao động là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quản lý công tác lao động, tiền lương và bảo hộ lao động theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thanh tra việc thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ về các mặt công tác ấy ở các ngành, các cấp, nhằm bảo đảm sử dụng hợp lý sức lao động, an toàn lao động, đẩy mạnh tăng năng suất lao động, góp phần nâng cao dần đời sống vật chất và văn hóa của công nhân, viên chức và nhân dân lao động phục vụ tích cực cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Điều 2. – Bộ Lao động có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Chủ trì việc nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ ban hành các chính sách, chế độ, thể lệ về lao động, tiền lương và bảo hộ lao động, cụ thể là các chính sách, chế độ, thể lệ:

- Về quản lý, điều chỉnh, tuyển dụng và sử dụng nhân công, đào tạo và bổ túc nghề nghiệp cho công nhân kỹ thuật, định mức lao động và tổ chức lao động trong khu vực sản xuất quốc doanh và công tư hợp doanh;

- Về tiền lương, tiền thưởng, tiền phụ cấp đối với công nhân, viên chức Nhà nước;

- Về bảo hộ lao động và về thanh tra kỹ thuật an toàn lao động trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước và trong các xí nghiệp của hợp tác xã;

- Về huy động dân công và lao động nghĩa vụ.

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, hướng dẫn việc thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ nói trên.

2. Góp ý kiến với Ủy ban kế hoạch Nhà nước trong việc xây dựng kế hoạch lao động, tiền lương, kế hoạch đào tạo và bổ túc nghề nghiệp cho công nhân kỹ thuật (trong việc xây dựng chỉ tiêu lao động, chỉ tiêu đào tạo và bổ túc nghề nghiệp cho công nhân kỹ thuật, chỉ tiêu lương bình quân và quỹ tiền lương cho các ngành ở trung ương và các địa phương).

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, nghiên cứu và hướng dẫn các ngành, các cấp thi hành các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ việc thực hiện các chỉ tiêu lao động của Nhà nước; phối hợp với bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý quỹ tiền lương.

3. Nghiên cứu và hướng dẫn việc xây dựng các loại định mức lao động, các tiêu chuẩn biên chế; nghiên cứu và hướng dẫn áp dụng những biện pháp về cải tiến tổ chức lao động, tổ chức ca kíp, tổ chức nơi làm việc và tổ chức bộ máy quản lý xí nghiệp; nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ ban hành những định mức lao động thống nhất áp dụng chung cho các ngành.

4. Chỉ đạo công tác huy động dân công và lao động nghĩa vụ, công tác phân phối, tuyển dụng và điều chỉnh nhân công nhằm bảo đảm cung cấp nhân công theo yêu cầu của kế hoạch Nhà nước.

5. Quản lý thống nhất chương trình đào tào và tiêu chuẩn tuyển sinh đối với các trường lớp đào tạo công nhân kỹ thuật; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các chỉ tiêu đào tạo và bổ túc nghề nghiệp cho công nhân kỹ thuật về mặt số lượng và chất lượng. Quản lý trường đào tạo công nhân kỹ thuật do Nhà nước giao cho.

6. Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ ban hành các thang lương, bảng lương, hình thức trả lương và tiêu chuẩn cấp bậc tiền lương chung cho công nhân, viên chức Nhà nước; hướng dẫn, giúp đỡ các ngành xây dựng các thang lương, bảng lương, tiêu chuẩn cấp bậc tiền lương cụ thể cho từng ngành để trình Hội đồng Chính phủ xét.

Chỉ đạo các địa phương trong việc quy định tiền công ở địa phương, trong việc xây dựng các chế độ tiền lương, tiền phụ cấp, tiền thưởng áp dụng cho các xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh của địa phương.

7. Nghiên cứu và ban hành các quy phạm về kỹ thuật an toàn lao động áp dụng chung cho nhiều ngành, nghề; đôn đốc và giúp đỡ các ngành xây dựng các quy phạm, quy trình về kỹ thuật an toàn lao động riêng cho từng ngành, nghề.

Cùng với các ngành sở quan tổ chức nghiên cứu và hướng dẫn việc sử dụng các phương tiện, thiết bị và dụng cụ an toàn lao động.

8. Nghiên cứu tổng hợp các mặt chính sách về lao động và tiền lương; tham gia ý kiến và thỏa thuận với các bộ, các ngành về những vấn đề thuộc chính sách, chế độ, thể lệ về lao động, tiền lương và bảo hộ lao động trước khi bộ, ngành sở quan ban hành, hoặc trước khi trình Hội đồng Chính phủ xét.

9. Yêu cầu các bộ, các ngành, các địa phương báo cáo cho bộ Lao động các tài liệu, số liệu cần thiết về việc thi hành các chính sách, chế độ, thể lệ và các chỉ tiêu kế hoạch về lao động, tiền lương và bảo hộ lao động.

10. Tổ chức và chỉ đạo công tác thanh tra việc thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ về lao động, tiền lương, về bảo hộ lao động và về kỹ thuật an toàn lao động trong các cơ sở sản xuất quốc doanh và công tư hợp doanh.

Trong khi thanh tra, nếu thấy ở một bộ phận  máy móc hoặc ở một nơi làm việc có sự đe dọa trực tiếp gây ra tai nạn lao động hoặc gây tổn thất lớn đến tài sản của Nhà nước do vi phạm nghiêm trọng những quy định về kỹ thuật an toàn lao động, thì bộ Lao động có quyền tạm thời đình chỉ hoạt động của bộ phận máy móc hoặc của nơi làm việc đó.

11. Giúp cơ quan có trách nhiệm quản lý hợp tác xã thủ công nghiệp các kinh nghiệm về các mặt quản lý và sử dụng hợp lý nhân công, đào tạo công nhân kỹ thuật, phân phối tiền công, bảo hộ lao động trong các hợp tác xã (chủ yếu là ở thành phố và thị xã).

12. Giải quyết và chỉ đạo việc giải quyết các đơn từ khiếu nại có liên quan đến chính sách, chế độ, thể lệ về lao động, tiền lương và bảo hộ lao động của công nhân, viên chức Nhà nước và nhân dân lao động.

[...]