Nghị định 165/1999/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm

Số hiệu 165/1999/NĐ-CP
Ngày ban hành 19/11/1999
Ngày có hiệu lực 04/12/1999
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Quyền dân sự

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 165/1999/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 1999

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 165/1999/NĐ-CP NGÀY 19 THÁNG 11 NĂM 1999 VỀ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

 CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ Luật Dân sự ngày 28 tháng 10 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Nghị định này quy định về ký kết, thực hiện hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp, bảo lãnh.

2. Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác, Nghị định này cũng được áp dụng đối với việc cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch kinh tế, thương mại.

3. Việc ký kết, thực hiện hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và xử lý quyền sử dụng đất thế chấp thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai; trong trường hợp pháp luật về đất đai không quy định, thì áp dụng các quy định của Nghị định này.

4. Nghị định này cũng được áp dụng đối với việc cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Giao dịch bảo đảm" là hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản theo đó bên bảo đảm cam kết với bên nhận bảo đảm về việc dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

2. "Bên bảo đảm" là bên cầm cố, bên thế chấp, bên bảo lãnh bằng tài sản.

3. "Bên nhận bảo đảm" là bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh bằng tài sản.

4. "Nghĩa vụ được bảo đảm" là nghĩa vụ mà việc thực hiện được bảo đảm bằng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản.

5. "Nghĩa vụ trong tương lai" là nghĩa vụ phát sinh sau khi giao dịch bảo đảm đã được ký kết.

6. "Tài sản bảo đảm" là tài sản của bên bảo đảm dùng để cầm cố, thế chấp, bảo lãnh để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm.

7. "Tài sản hình thành trong tương lai" là động sản, bất động sản hình thành sau thời điểm ký kết giao dịch bảo đảm và sẽ thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm như hoa lợi, lợi tức, tài sản hình thành từ vốn vay, công trình đang xây dựng, các tài sản khác mà bên bảo đảm có quyền nhận.

8. "Hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh" gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, hàng tiêu dùng, các động sản khác hoặc các bất động sản dùng để trao đổi, mua bán gắn với chức năng sản xuất, kinh doanh của bên bảo đảm.

Điều 3. Nguyên tắc ký kết, thực hiện giao dịch bảo đảm

1. Các bên có quyền thoả thuận về việc ký kết, thực hiện hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản và xử lý tài sản bảo đảm, nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

2. Quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch bảo đảm được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.

Điều 4. Phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

1. Các bên được thoả thuận về việc cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hiện tại hoặc nghĩa vụ trong tương lai.

2. Nghĩa vụ được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thoả thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.Trong trường hợp các bên không thoả thuận khác và pháp luật không quy định khác thì nghĩa vụ được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi và bồi thường thiệt hại.

[...]