Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị định 157/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản

Số hiệu 157/2013/NĐ-CP
Ngày ban hành 11/11/2013
Ngày có hiệu lực 25/12/2013
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 157/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ QUẢN LÝ RỪNG, PHÁT TRIỂN RỪNG, BẢO VỆ RỪNG VÀ QUẢN LÝ LÂM SẢN

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Điều 2. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính

Nghị định này áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Điều 3. Giải thích thuật ngữ

Trong Nghị định này một số thuật ngữ được hiểu như sau:

1. Kiểm lâm viên là công chức thuộc các ngạch kiểm lâm biên chế trong lực lượng kiểm lâm.

2. Lâm sản là sản phẩm khai thác từ thực vật, động vật, vi sinh vật và các bộ phận, dẫn xuất của chúng có nguồn gốc từ rừng (kể cả động vật thủy sinh có nguồn gốc bản địa hoặc không có nguồn gốc bản địa nhưng được cơ quan có thẩm quyền cho phép nuôi, thả tại các ao, hồ, sông, suối trong rừng).

3. Gỗ tròn: Bao gồm gỗ nguyên khai, gỗ đẽo tròn, gỗ lóc lõi có đường kính đầu nhỏ từ 10 cm đến dưới 20 cm, chiều dài từ 1 m trở lên hoặc có đường kính đầu nhỏ từ 20 cm trở lên, chiều dài từ 30 cm trở lên. Riêng đối với gỗ rừng trồng, rừng tràm, rừng đước, rừng ngập mặn có đường kính đầu nhỏ từ 6 cm trở lên, chiều dài từ 1 m trở lên. Đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm không phân biệt kích thước.

4. Củi được khai thác từ thực vật rừng thân gỗ, là bộ phận của chúng có kích thước nhỏ hơn đối với quy cách gỗ tròn quy định tại Khoản 3 Điều này hoặc các phế liệu của chúng sau chế biến.

5. Thực vật rừng nhóm IA, IIA; động vật rừng nhóm IB, IIB là những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của Chính phủ.

6. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính gồm:

a) Lâm sản khai thác, mua, bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh trái quy định của pháp luật.

b) Công cụ, đồ vật sử dụng thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

c) Phương tiện gồm: Các loại xe cơ giới đường bộ, xe mô tô, xe đạp, xe thô sơ, súc vật, tàu thủy, ca-nô, thuyền, các phương tiện khác được sử dụng vận chuyển lâm sản trái pháp luật.

7. Phương tiện bị người vi phạm hành chính chiếm đoạt trái phép là trường hợp phương tiện của chủ sở hữu hợp pháp bị người có hành vi vi phạm hành chính trộm cắp, cướp, cưỡng đoạt, lợi dụng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản để công khai chiếm đoạt (công nhiên chiếm đoạt) hoặc các hành vi trái pháp luật khác tước đoạt quyền chiếm hữu, quản lý, sử dụng của chủ sở hữu hợp pháp phương tiện đó.

8. Phương tiện bị người vi phạm sử dụng trái phép thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện cho người khác thuê, mượn hoặc thuê người khác điều khiển phương tiện đó để sử dụng vào mục đích chính đáng, nhưng người được thuê, được mượn phương tiện hoặc người được thuê điều khiển phương tiện đó đã tự ý sử dụng phương tiện để vi phạm hành chính.

b) Chủ sở hữu hợp pháp đối với phương tiện của mình hoặc người quản lý hợp pháp đối với phương tiện thuê của chủ sở hữu hợp pháp giao cho người lao động của mình quản lý, điều khiển, sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh hợp pháp, nhưng người lao động đã tự ý sử dụng các phương tiện đó để vi phạm hành chính.

[...]