Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Nghị định 144/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Số hiệu 144/2007/NĐ-CP
Ngày ban hành 10/09/2007
Ngày có hiệu lực 07/10/2007
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Vi phạm hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 144/2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 09 năm 2007

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

2. Vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bao gồm:

a) Hành vi vi phạm điều kiện hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ;

b) Hành vi vi phạm quy định về việc đăng ký hợp đồng, báo cáo việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

c) Hành vi vi phạm quy định về tuyển chọn, ký kết và thanh lý hợp đồng với người lao động;

d) Hành vi vi phạm quy định về bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, kiến thức cần thiết cho người lao động;

đ) Hành vi vi phạm quy định về thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền môi giới, tiền ký quỹ và tiền dịch vụ; đóng góp Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước;

e) Hành vi vi phạm quy định về tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và quản lý người lao động ở ngoài nước;

g) Hành vi vi phạm của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và một số đối tượng liên quan khác.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân Việt Nam có liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; người lao động đi làm việc ở nước ngoài có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà không phải là tội phạm và theo quy định của Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; trường hợp hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng

1. Tình tiết giảm nhẹ:

a) Người vi phạm hành chính đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;

b) Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi;

c) Vi phạm trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra;

d) Vi phạm do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;

[...]