Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị định 115/1997/NĐ-CP về chế độ bảo hiểm Bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Số hiệu 115/1997/NĐ-CP
Ngày ban hành 17/12/1997
Ngày có hiệu lực 01/01/1998
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bảo hiểm,Giao thông - Vận tải,Quyền dân sự

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 115/1997/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 1997

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 115/1997/NĐ-CP NGÀY 17 THÁNG 12 NĂM 1997 VỀ CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 28 tháng 10 năm 1995;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này quy định về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của những người bị thiệt hại về thân thể và tài sản do xe cơ giới gây ra, đồng thời giúp chủ xe cơ giới khắc phục được hậu quả tài chính, góp phần ổn định kinh tế, xã hội.

Điều 2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe cơ giới kể cả chủ xe là người nước ngoài sử dụng xe cơ giới trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo các quy định tại Nghị định này.

Điều 3. Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Doanh nghiệp bảo hiểm: là doanh nghiệp được phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm hợp pháp tại Việt Nam được Bộ Tài chính cho phép hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới.

2. Chủ xe cơ giới: là cá nhân, tổ chức có quyền sở hữu xe hay bất kỳ người nào được phép sử dụng xe cơ giới, kinh doanh vận chuyển hành khách bằng xe cơ giới;

3. Xe cơ giới: là tất cả các loại xe tham gia giao thông trên đường bộ bằng động cơ của chính chiếc xe đó, trừ xe đạp máy.

Điều 4. Những người bị thiệt hại về thân thể và tài sản do xe cơ giới đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới gây ra, có quyền khiếu nại trực tiếp doanh nghiệp bảo hiểm, đòi bồi thường thoả đáng và kịp thời theo đúng các quy định của pháp luật.

Chương 2:

NỘI DUNG CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI

Điều 5. Chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định tại Nghị định này, bao gồm bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do xe cơ giới gây ra đối với người thứ ba, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách.

Điều 6. Nghĩa vụ tham gia chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định tại Nghị định này được thể hiện thông qua việc ký kết hợp đồng bảo hiểm giữa chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm. Căn cứ vào quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành, doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe cơ giới ký kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng ký kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Điều 7. Nghĩa vụ và quyền lợi của chủ xe cơ giới.

1. Nghĩa vụ của chủ xe cơ giới:

a) Mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do xe cơ giới gây ra. Ngoài ra, chủ xe kinh doanh vận chuyển hành khách còn phải mua thêm bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách;

b) Mang theo và xuất trình khi có yêu cầu của cảnh sát giao thông giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đang có hiệu lực do doanh nghiệp bảo hiểm cấp trong khi sử dung xe.

2. Quyền lợi của chủ xe cơ giới:

a) Đối với chủ xe cơ giới là đơn vị sản xuất kinh doanh, phí bảo hiểm được tính vào giá thành hoặc phí lưu thông; đối với chủ xe cơ giới là đơn vị hành chính sự nghiệp, phí bảo hiểm được tính vào kinh phí do ngân sách nhà nước cấp;

b) Khi xảy ra trường hợp thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm, chủ xe được doanh nghiệp bảo hiểm thay mặt bồi thường cho người bị thiệt hại về thân thể và tài sản do xe cơ giới đã tham gia bảo hiểm gây ra và các chi phí cần thiết hợp lý mà chủ xe đã chi ra để giảm tối thiểu tổn thất hay để thực hiện các chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

Điều 8. Nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm:

1. Nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm:

a) Bán bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do xe cơ giới gây ra; bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách theo yêu cầu của chủ xe cơ giới;

[...]