Nghị định 114-HĐBT năm 1986 về chế độ học bổng và sinh hoạt phí của học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 114-HĐBT
Ngày ban hành 29/09/1986
Ngày có hiệu lực 05/09/1986
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Chí Công
Lĩnh vực Giáo dục

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 114-HĐBT

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 1986

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 114-HĐBT NGÀY 29-9-1986 VỀ CHẾ ĐỘ HỌC BỔNG VÀ SINH HOẠT PHÍ CỦA HỌC SINH CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP VÀ DẠY NGHỀ 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Tiếp Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng bộ trưởng về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Học sinh các trường đào tạo trong nước (đại học, cao đẳng, chuyên tu, dự bị đại học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, chuyên ngữ để chuẩn bị đi học nước ngoài) theo chỉ tiêu đào tạo của kế hoạch Nhà nước, được cấp học bổng và sinh hoạt phí theo chế độ quy định ở Nghị định này.

Mức học bổng cụ thể để cho từng học sinh chia ra nhiều loại tuỳ theo đối tượng và kết quả học tập của học sinh nhằm khuyến khích học sinh quan tâm đến kết quả học tập, đồng thời chiếu cố thích đáng đối với các học sinh thuộc diện chính sách.

Điều 2.- Suất học bổng cơ bản là 110 đồng/tháng cộng thêm phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng và được bảo đảm cung ứng bằng hiện vật, theo định lượng và giá bán lẻ ổn định do Nhà nước quy định.

Mức định lượng đối với học sinh hưởng sinh hoạt phí (ghi tại điều 5) giống như đối với công nhân, viên chức nhà nước đang làm việc bình thường tại khu vực hành chính, sự nghiệp.

Thời gian học sinh được hưởng chế độ bảo đảm cung ứng bằng hiện vật theo định lượng bao gồm cả thời gian đi thực tập, hoạt động xã hội, nghỉ hè, ốm đau, chờ phân công công tác sau tốt nghiệp không quá 3 tháng.

Điều 3.- Học bổng (chưa kể phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng) được cấp theo các loại và mức sau đây:

a) Học bổng loại I cấp cho học sinh là con liệt sỹ mồ côi cả cha lẫn mẹ; con liệt sỹ đang hưởng tuất vì không có người nuôi dưỡng; con dân tộc ít người mồ côi cả cha lẫn mẹ; thương binh được xếp hạng thương tật mà không ở diện chuyển ngành đi học; con thương binh hạng I và bệnh binh hạng I mà bố mẹ không có khả năng nuôi dưỡng.

Không đạt (lưu ban) : 140 đồng/tháng.

Đạt yêu cầu 160 đồng/tháng.

Tiên tiến 180 đồng/tháng.

Xuất sắc 200 đồng/tháng.

b) Học bổng loại II cấp cho học sinh là con liệt sỹ hoặc con dân tộc ít người không thuộc diện ở điểm a trên đây; con những người hưởng lương, phụ cấp hoặc trợ cấp của Nhà nước mà mồ côi cả cha lẫn mẹ; học sinh là con thương binh và bệnh binh hạng I, hạng II, quân nhân phục vụ trên hạn nghĩa vụ quân sự.

Không đạt (lưu ban) 110 đồng/tháng.

Đạt yêu cầu 130 đồng/tháng.

Tiên tiến 150 đồng/tháng.

Xuất sắc 170 đồng/tháng.

c) Học bổng loại III cấp cho học sinh con các gia đình hưởng lương hoặc phụ cấp, trợ cấp của Nhà nước và thuộc khu vực kinh tế tập thể :

Không đạt (lưu ban) không cấp.

Đạt yêu cầu 110 đồng/tháng.

Tiên tiến 130 đồng/tháng

Xuất sắc 150 đồng/tháng.

Điều 4. - Những học sinh không thuộc diện ghi trong điều 3 mục a, b, c, thì không được cấp học bổng, nhưng nếu học tốt thì được thưởng với mức tiên tiến 30 đồng/tháng và xuất sắc 50 đồng/tháng.

Điều 5. - Công nhân, viên chức có thời gian công tác liên tục trên 3 năm (trên 36 tháng) trong biên chế Nhà nước được cấp có thẩm quyền cử đi học (trong chỉ tiêu tuyển sinh của Nhà nước) tại các trường trong nước từ 12 tháng trở lên được hưởng sinh hoạt phí theo tỷ lệ phần trăm của lương cơ bản trước khi đi học:

[...]