Nghị định 111B-CP năm 1967 bổ sung chế độ đãi ngộ đối với quân nhân, cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân bị thương, bị hy sinh hoặc mất sức lao động trong khi làm nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 111B-CP
Ngày ban hành 20/07/1967
Ngày có hiệu lực 01/08/1967
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 111B-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 1967 

 

NGHỊ ĐỊNH

BỔ SUNG MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN, CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC VÀ NHÂN DÂN BỊ THƯƠNG, BỊ HY SINH HOẶC MẤT SỨC LAO ĐỘNG TRONG KHI LÀM NHIỆM VỤ CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

 HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để tỏ rõ sự chăm sóc của Nhà nước và nhân dân đối với những quân nhân, cán bộ, công nhân, viên chức và công dân do hăng hái làm nhiệm vụ của mình trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mà bị hy sinh, bị thương, bị mất sức lao động, và để động viên các tầng lớp nhân dân phát huy mạnh mẽ hơn nữa chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đẩy mạnh sản xuất, công tác, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 07 tháng 6 năm 1967;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: - Nay quy định một số điểm bổ sung các chế độ đãi ngộ đối với những quân nhân, cán bộ, công nhân, viên chức và công dân bị thương, bị hy sinh, bị mất sức lao động từ ngày 05 tháng 8 năm 1964 trong khi làm nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước.

Điều 2: - Những quân nhân, vì phải hoạt động ở những chiến trường khó khăn gian khổ, hoặc trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt mà bị mất sức lao động, phải xuất ngũ về với gia đình thì, tuy chưa đủ 5 năm công tác liên tục trở lên, cũng được hưởng trợ cấp mất sức lao động như những quân nhân có đủ 5 năm công tác liên tục theo điều 22 của Điều lệ tạm thời về chế độ đãi ngộ đối với quân nhân ban hành theo nghị định số 161-CP ngày 30 tháng 10 năm 1964 của Hội đồng Chính phủ.

Điều 3: - Công nhân, viên chức Nhà nước bị thương hoặc chết vì trực tiếp tham gia chiến đấu, hoặc vì điều kiện sản xuất, công tác không thể rời vị trí của mình, trong khi địch đến bắn phá thì được coi là “ bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ” và được hưởng chế độ đãi ngộ như đối với dân quân, tự vệ bị thương, hoặc chết trong khi chiến đấu nói ở chương III của Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ đối với quân nhân, dân quân, tự vệ.

Điều 4: - Những cán bộ xã giữ những chức vụ sau đây:

- Chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên Ủy ban hành chính xã;

- Bí thư, phó bí thư, đảng ủy viên Đảng ủy xã;

- Bí thư, phó bí thư, chi ủy viên chi bộ xã ở những nơi chưa thành lập Đảng ủy xã;

- Trưởng ban, phó trưởng ban liên lạc Mặt trận xã;

- Bí thư, phó bí thư thanh niên xã;

- Hội trưởng, phó hội trưởng phụ nữ xã;

- Trưởng ban, phó trưởng ban các ban chuyên môn xã;

- Bí thư chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã, nếu không ở trong lực lượng dân quân, tự vệ mà bị thương, hoặc chết vì trực tiếp tham gia chiến đấu với địch thì được hưởng những chế độ đãi ngộ như đối với dân quân, tự vệ bị thương, hoặc chết trong chiến đấu.

Điều 5: - Những cán bộ xã không thuộc diện nói ở điều 4 và những công dân không ở trong lực lượng dân quân, tự vệ, bị thương hoặc chết vì trực tiếp tham gia chiến đấu với địch, thì được hưởng chế độ đãi ngộ như đối với dân công bị thương hoặc chết quy định ở chương II của Điều lệ tạm thời về huy động và sử dụng dân công thời chiến ban hành theo nghị định số 77-CP ngày 26 tháng 4 năm 1966 của Hội đồng Chính phủ.

Điều 6:  - Cán bộ và nhân quân bị thương hoặc chết trong những trường hợp sau đây, thì được coi là bị thương hoặc chết vì trực tiếp tham gia chiến đấu với địch;

- Chỉ huy dân quân, tự vệ và nhân dân chiến đấu với địch;

- Trực tiếp chiến đấu với địch như bắn máy bay, tầu chiến địch, lùng bắt gián điệp, biệt kích, giặc Mỹ lái máy bay…;

- Phục vụ các lực lượng vũ trang hoặc bán vũ trang đang chiến đấu với địch như tải đạn, cứu thương, tải thương, tiếp tế lương thực, thực phẩm, cứu chữa kho tàng, bảo vệ hàng hóa khi địch bắn phá…

Điều 7: - Những dân công phục vụ các chiến trường quan trọng bị thương, hoặc chết do địch bắn phá trong khi đang làm nhiệm vụ thì được hưởng chế độ đãi ngộ như đối với dân quân, tự vệ bị thương hoặc chết trong chiến đấu.

Điều 8: - Những điểm bổ sung về chế độ đãi ngộ đối với quân nhân, công nhân, viên chức, cán bộ và nhân dân trên đây được thi hành thống nhất kể từ ngày 01 tháng 8 năm 1967.

Điều 9: - Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan giải thích và hướng dẫn thi hành nghị định này.
 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 


Phạm Hùng