Thông tư 04/2005/TT-VPCP hướng dẫn Nghị định 104/2004/NĐ-CP về Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với hoạt động của Công báo ở Trung ương do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 04/2005/TT-VPCP
Ngày ban hành 21/03/2005
Ngày có hiệu lực 07/04/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Đoàn Mạnh Giao
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2005/TT-VPCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2005

 

THÔNG TƯ

CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 04/2005/TT-VPCP NGÀY 21 THÁNG 3 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 104/2004/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 3 NĂM 2004 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG BÁO NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CÔNG BÁO Ở TRUNG ƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 12 tháng 11 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 18/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 104/2004/NĐ-CP ngày 23 tháng 3 năm 2004 của Chính phủ về Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn hoạt động của Công báo ở Trung ương như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này áp dụng đối với các hoạt động Công báo xuất bản ở Trung ương.

2. Công báo xuất bản ở Trung ương (sau đây gọi là Công báo) là ấn phẩm thông tin pháp lý chính thức của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Công báo được in bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài đối với một số trường hợp được quy định tại điểm d khoản 1 Phần III của Thông tư này. Công báo có khuôn khổ 20,5 cm x 29 cm. Trên trang bìa của Công báo có in hình Quốc huy, Quốc hiệu của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chữ Công báo màu đỏ. Trang cuối của Công báo in tên, địa chỉ, điện thoại liên lạc của cơ quan chịu trách nhiệm xuất bản Công báo và cơ quan in Công báo.

3. Cơ quan Công báo Trung ương thuộc Văn phòng Chính phủ (sau đây gọi là cơ quan Công báo) có nhiệm vụ trực tiếp quản lý và tổ chức việc xuất bản và phát hành Công báo ở Trung ương; hướng dẫn và quản lý chuyên môn, nghiệp vụ xuất bản và phát hành Công báo cấp tỉnh; quản lý việc sử dụng Công báo cấp cho xã, phường, thị trấn trong cả nước.

II. VĂN BẢN ĐĂNG CÔNG BÁO

1. Các loại văn bản đăng Công báo

1.1. Các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan, người có thẩm quyền ở Trung ương ban hành (sau đây gọi là cơ quan ban hành văn bản), cụ thể:

a) Văn bản do Quốc hội ban hành: hiến pháp, luật, nghị quyết.

Văn bản do ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành: pháp lệnh, nghị quyết.

b) Văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác ở Trung ương ban hành:

- Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;

- Nghị quyết, nghị định của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ;

- Quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;

- Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; quyết định, chỉ thị, thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Nghị quyết, thông tư liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của pháp luật;

- Quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về việc xử lý các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trái pháp luật.

1.2. Các văn bản cá biệt và văn bản có giá trị pháp lý khác:

a) Quyết định của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ về tặng thưởng Huân chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước, bổ nhiệm các cán bộ lãnh đạo các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp và lực lượng vũ trang và các quyết định cá biệt khác.

b) Các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đăng Công báo. Các văn bản chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ do Thủ trưởng cơ quan ban hành văn bản thống nhất với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ quyết định việc đăng Công báo.

c) Các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập đã có hiệu lực đối với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các văn kiện ngoại giao khác ngoài các điều ước quốc tế đã có hiệu lực cần được công bố.

d) Lời kêu gọi, diễn văn, các tuyên bố quan trọng của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội trong các buổi lễ, các hội nghị lớn.

1.3. Quyết định đính chính các văn bản đã ban hành có sai sót về lỗi chính tả, hình thức và thủ tục pháp lý.

1.4. Trong trường hợp cần thiết, có thể đăng lại trên Công báo nguyên văn các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác đã có hiệu lực cùng với văn bản sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật đó để việc áp dụng pháp luật được thuận lợi.

1.5. Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được đăng trên Phụ trương Công báo.

2. Về hiệu lực của văn bản đăng trên Công báo

[...]