Nghị định 102/2001/NĐ-CP Hướng dẫn kiểm tra sau thông quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

Số hiệu 102/2001/NĐ-CP
Ngày ban hành 31/12/2001
Ngày có hiệu lực 01/01/2002
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 102/2001/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2001

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 102/2001/NĐ-CP NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2001 QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Điều 32 Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Kiểm tra sau thông quan

Kiểm tra sau thông quan là hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan nhằm thẩm định tính chính xác, trung thực của nội dung các chứng từ mà chủ hàng hoá hoặc người được ủy quyền, tổ chức, cá nhân trực tiếp xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây viết là đơn vị được kiểm tra) đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan hải quan, để ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, gian lận thuế, vi phạm chính sách quản lý xuất nhập khẩu đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi kiểm tra

1. Đối tượng kiểm tra sau thông quan là các chứng từ, sổ sách kế toán, các chứng từ khác có liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan; hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan.

2. Việc kiểm tra sau thông quan chỉ được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan.

3. Việc kiểm tra các chứng từ, sổ sách, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:

a) Chỉ kiểm tra các chứng từ thuộc diện phải được lưu giữ theo quy định của pháp luật cho tới thời điểm quyết định kiểm tra được ban hành;

b) Chỉ kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan nếu hàng hoá đó còn đang được lưu giữ tại đơn vị được kiểm tra hoặc cơ quan hải quan có căn cứ để chứng minh hàng hoá đó hiện đang được các tổ chức, cá nhân khác lưu giữ, quản lý;

c) Việc kiểm tra là cần thiết để cơ quan hải quan có căn cứ kết luận chính xác nội dung kiểm tra.

4. Trong thời hạn 05 (năm) năm kể từ ngày hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được thông quan, cơ quan hải quan được áp dụng biện pháp kiểm tra sau thông quan nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan đối với hàng hoá đó.

Điều 3. Nguyên tắc kiểm tra, thẩm quyền ký quyết định kiểm tra

1. Hoạt động kiểm tra sau thông quan phải được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, chính xác, không gây cản trở đến hoạt động của đơn vị được kiểm tra.

2. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký quyết định kiểm tra sau thông quan đối với các đơn vị trong phạm vi, địa bàn quản lý của mình.

3. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký quyết định kiểm tra sau thông quan đối với các trường hợp có nội dung kiểm tra phức tạp, phạm vi kiểm tra liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Cơ quan hải quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho đơn vị được kiểm tra về quyết định kiểm tra sau thông quan chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc trước ngày tiến hành kiểm tra.

Chương 2 :

NỘI DUNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KIỂM TRA

Điều 4. Nội dung kiểm tra sau thông quan

1. Kiểm tra tính chính xác, trung thực những nội dung đã được kê khai trên tờ khai hải quan, các chứng từ đã được xuất trình, nộp cho cơ quan hải quan, các chứng từ, sổ sách kế toán có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan.

2. Kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này.

3. Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, chính sách quản lý xuất khẩu, nhập khẩu.

[...]