Nghị định 101/2002/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra giáo dục

Số hiệu 101/2002/NĐ-CP
Ngày ban hành 10/12/2002
Ngày có hiệu lực 25/12/2002
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 101/2002/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2002

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 101/2002/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 12 NĂM 2002 VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA GIÁO DỤC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 02 tháng 12 năm 1998;
Căn cứ Pháp lệnh Thanh tra ngày 01 tháng 4 năm 1990;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Thanh tra giáo dục

Thanh tra giáo dục là thanh tra chuyên ngành về giáo dục. Thanh tra giáo dục thực hiện quyền thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước về giáo dục, nhằm bảo đảm việc thi hành pháp luật, phát huy nhân tố tích cực, phòng ngừa và xử lý vi phạm, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục.

Điều 2. Đối tượng của Thanh tra giáo dục

1. Các cơ sở giáo dục của cơ quan nhà nước, của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, của lực lượng vũ trang nhân dân, của tổ chức kinh tế và của cá nhân.

2. Các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài về giáo dục hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

3. Tổ chức, cá nhân hoạt động đưa người đi đào tạo ở nước ngoài theo chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và sau đại học, giáo dục nghề nghiệp cho công dân Việt Nam.

4. Tổ chức, cá nhân hoạt động giảng dạy, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học thực hiện ngoài các cơ sở giáo dục nói tại các khoản 1 và 2 Điều này (sau đây gọi tắt là hoạt động giảng dạy, giáo dục thực hiện ngoài cơ sở giáo dục).

Điều 3. Nội dung hoạt động của Thanh tra giáo dục

1. Thanh tra việc thi hành pháp luật về giáo dục của các đối tượng được quy định tại Điều 2 của Nghị định này.

2. Thanh tra hoạt động giảng dạy, giáo dục của các đối tượng được quy định tại Điều 2 của Nghị định này về việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, quy chế chuyên môn; quy chế thi cử, cấp văn bằng, chứng chỉ; việc thực hiện các quy định về điều kiện cần thiết bảo đảm chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục.

3. Xác minh, kết luận, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

4. Hướng dẫn nội dung, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra và nghiệp vụ thanh tra giáo dục cho Thanh tra giáo dục cấp dưới.

5. Kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách và văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với yêu cầu quản lý giáo dục.

Điều 4. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo dục đối với Thanh tra giáo dục cùng cấp

1. Xây dựng tổ chức bộ máy Thanh tra giáo dục và tạo điều kiện, phương tiện để Thanh tra giáo dục, Thanh tra viên, Cộng tác viên thanh tra hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Chỉ đạo Thanh tra giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác kiểm tra, thanh tra, chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên về công tác thanh tra.

3. Xem xét, xử lý kiến nghị của Thanh tra giáo dục, bảo đảm hiệu lực của hoạt động thanh tra.

4. Sử dụng kết quả thanh tra để xem xét việc khen thưởng, kỷ luật, sắp xếp bố trí sử dụng, xét công nhận và bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư, phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, thực hiện chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, giáo viên, giảng viên, nhân viên và quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi văn bằng, chứng chỉ được cấp phát, sử dụng không hợp pháp; đình chỉ, giải thể hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giải thể cơ sở giáo dục thành lập trái phép hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.

Điều 5. Nguyên tắc hoạt động của Thanh tra giáo dục

Hoạt động của Thanh tra giáo dục chỉ tuân theo pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhằm bảo đảm việc thi hành pháp luật và hiệu lực của công tác quản lý giáo dục. Không một tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra giáo dục.

Chương 2:

[...]