Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị định 06/2014/NĐ-CP về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội

Số hiệu 06/2014/NĐ-CP
Ngày ban hành 21/01/2014
Ngày có hiệu lực 08/03/2014
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 06/2014/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2014

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ BIỆN PHÁP VẬN ĐỘNG QUẦN CHÚNG BẢO VỆ AN NINH QUỐC GIA, GIỮ GÌN TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật an ninh quốc gia ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm và bảo đảm điều kiện áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (sau đây gọi chung là bảo vệ an ninh, trật tự); chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự; cơ quan, tổ chức Việt Nam, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức); công dân Việt Nam, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi chung là cá nhân). Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, những từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự là việc huy động và sử dụng sức mạnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự.

2. Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự là cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ chuyên trách làm tham mưu, tổ chức, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.

3. Cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự là sĩ quan, hạ sĩ quan của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ chuyên trách tham mưu, tổ chức, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.

Điều 4. Nguyên tắc áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự

1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Kết hợp chặt chẽ giữa biện pháp vận động quần chúng với các biện pháp công tác khác để bảo vệ an ninh, trật tự.

3. Không được lợi dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chương 2.

NỘI DUNG, THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM, HÌNH THỨC, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP VẬN ĐỘNG QUẦN CHÚNG BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ

Điều 5. Nội dung biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự

1. Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chủ trương, quy định, kế hoạch huy động và sử dụng sức mạnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

2. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

3. Tổ chức, động viên, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

[...]