Nghị định 05/2010/NĐ-CP quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với các tổ chức tín dụng

Số hiệu 05/2010/NĐ-CP
Ngày ban hành 18/01/2010
Ngày có hiệu lực 15/03/2010
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tiền tệ - Ngân hàng

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 05/2010/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2010

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VIỆC ÁP DỤNG LUẬT PHÁ SẢN ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn Luật Phá sản ngày 24 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 12 tháng 12 năm 1997; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với tổ chức tín dụng về điều kiện và việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và các biện pháp bảo toàn tài sản trong thủ tục phá sản; điều kiện, thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh, thủ tục thanh lý tài sản và tuyên bố phá sản; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, của tổ chức tín dụng bị yêu cầu tuyên bố phá sản và của người tham gia giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản.

2. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng.

Điều 2. Thủ tục phá sản

1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thủ tục phá sản được áp dụng đối với tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản bao gồm:

a) Nộp đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản;

b) Phục hồi hoạt động kinh doanh;

c) Thanh lý tài sản, các khoản nợ;

d) Tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản.

2. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản về việc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán đối với tổ chức tín dụng, sau khi mở thủ tục phá sản, Thẩm phán quyết định áp dụng thủ tục thanh lý tài sản, các khoản nợ quy định tại điểm c khoản 1 và tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản mà không áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp Nghị định này không có quy định thì những nội dung liên quan đến thủ tục phá sản tổ chức tín dụng sẽ được áp dụng theo Luật Phá sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phá sản.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các thuật ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. “Kiểm soát đặc biệt” là việc một tổ chức tín dụng được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc có nguy cơ mất khả năng thanh toán.

2. “Các khoản nợ đến hạn” là các khoản tiền hoặc tài sản mà tổ chức tín dụng nợ người khác (sau đây gọi là chủ nợ) không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần (chỉ tính phần không có bảo đảm) đã đến hạn thanh toán theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Điều kiện xác định tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản

Tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu, sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng kiểm soát đặc biệt thì được coi là lâm vào tình trạng phá sản.

Điều 5. Thẩm quyền của Tòa án

1. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh đó.

2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của tổ chức tín dụng có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng có vốn đầu tư nước ngoài đó.

Điều 6. Tổ quản lý, thanh lý tài sản

[...]