Nghị định 03/2002/NĐ-CP về việc bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí

Số hiệu 03/2002/NĐ-CP
Ngày ban hành 07/01/2002
Ngày có hiệu lực 22/01/2002
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2002/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 1 năm 2002

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ SỐ 03/2002/NĐ-CP NGÀY 07THÁNG 01 NĂM 2002 VỀ BẢO VỆ AN NINH, AN TOÀN DẦU KHÍ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Dầu khí ngày 06 tháng 7 năm 1993 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí ngày 09 tháng 6 năm 2000;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này quy định biện pháp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí.

Điều 2. Nghị định này được áp dụng đối với các hoạt động dầu khí và các công trình, phương tiện thiết bị dầu khí của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và các đối tác, bao gồm : tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ, khai thác, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, dịch vụ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học được tiến hành trên đất liền, hải đảo, nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3.

1. Bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí là nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí, của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang và mọi công dân.

2. Mọi hành vi vi phạm Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến an ninh, an toàn dầu khí đều phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Điều 4.

1. Mọi tổ chức, cá nhân khi phát hiện dấu hiệu sự cố, sự cố hoặc các hành vi xâm phạm an ninh, an toàn dầu khí phải tìm cách ngăn chặn và báo ngay cho cơ quan công an, quân đội, chính quyền địa phương, hoặc cơ quan, tổ chức khác nơi gần nhất để kịp thời xử lý, ngăn ngừa thiệt hại.

2. Các cơ quan và tổ chức nêu ở khoản 1 Điều này khi nhận được thông tin liên quan đến mất an ninh, an toàn dầu khí phải có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị chức năng để kịp thời xử lý và ngăn ngừa thiệt hại.

Điều 5. Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau :

1. "Bảo vệ an ninh dầu khí" là việc tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hoặc làm phương hại đến việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển ngành dầu khí Việt Nam; bảo vệ an ninh nội bộ cơ quan, doanh nghiệp dầu khí; bảo vệ bí mật Nhà nước; bảo vệ các hoạt động dầu khí, công trình, phương tiện, thiết bị dầu khí.

2. "Bảo vệ an toàn dầu khí" là việc tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quy định về phòng chống cháy nổ, tai nạn, sự cố kỹ thuật, nhằm bảo đảm an toàn cho người, công trình, phương tiện, thiết bị và hoạt động dầu khí, bảo vệ môi trường sinh thái.

3. "Công trình, phương tiện, thiết bị dầu khí" là dàn khoan, đường ống, kho chứa, nhà máy, bến cảng và các công trình, phương tiện, thiết bị khác phục vụ cho hoạt động dầu khí, kể cả công trình, phương tiện, thiết bị phục vụ cho hoạt động dầu khí trên cơ sở hợp tác với nước ngoài tại các vùng không thuộc quyền tài phán của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chương 2:

BẢO VỆ AN NINH DẦU KHÍ

Điều 6. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh dầu khí là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi sau:

1. Lợi dụng hoạt động dầu khí để xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Gián tiếp hoặc trực tiếp phá hoại cơ quan, doanh nghiệp dầu khí, các công trình, phương tiện, thiết bị dầu khí.

3. Xâm phạm các hoạt động dầu khí, gây thiệt hại tài sản Nhà nước, lợi ích quốc gia và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí.

4. Vi phạm bí mật Nhà nước trong hoạt động dầu khí.

5. Làm phương hại đến việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật phát triển ngành dầu khí.

Điều 7. Trước khi tiến hành hoạt động dầu khí tại Việt Nam, mọi tổ chức, cá nhân phải xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ đối với các hoạt động dầu khí và công trình, phương tiện, thiết bị dầu khí theo quy định của Bộ Công an. Các kế hoạch và phương án bảo vệ phải được gửi cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam để phối hợp thực hiện.

[...]