Dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 28/11/2024
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Trần Thanh Mẫn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số:         /2025/QH15

 

DỰ THẢO

 

 

LUẬT

TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban bố, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp; các biện pháp chuẩn bị ứng phó với tình trạng khẩn cấp; các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do tình trạng khẩn cấp; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tình trạng khẩn cấp.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Tình trạng khẩn cấp là khi trong cả nước, một hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn đe dọa hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và tổ chức, tính mạng, sức khoẻ, tài sản của Nhân dân, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thì cấp có thẩm quyền ban bố, công bố các biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn; hạn chế và khắc phục hậu quả xảy ra, nhanh chóng ổn định tình hình.

2. Thảm hoạ lớn là biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên diện rộng hoặc do con người, hậu quả chiến tranh gây ra đe dọa hoặc làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội vượt quá khả năng ứng phó, khắc phục của chính quyền.

3. Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là hàng hóa, dịch vụ quan trọng đối với đời sống người dân, cộng đồng mà Nhà nước phải bảo đảm duy trì và thực hiện vì lợi ích cộng đồng trong tình trạng khẩn cấp.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động trong tình trạng khẩn cấp

1. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy vai trò, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và Nhân dân.

2. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, có sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và lực lượng trong tình trạng khẩn cấp; huy động hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cơ sở; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, bám sát thực tiễn, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành.

3. Huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân cả nước với yêu cầu đặt tính mạng, sức khỏe của Nhân dân lên trên hết, trước hết; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân.

4. Thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” kết hợp với chi viện, hỗ trợ của trung ương, địa phương và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra thảm hỏa lớn, dịch bệnh nguy hiểm và áp dụng các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả tình trạng khẩn cấp, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, ổn định đời sống Nhân dân, chú ý đến đối tượng dễ bị tổn thương.

5. Tăng cường tính tự chủ, chủ động trong ứng phó với tình trạng khẩn cấp; bảo đảm hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp ứng phó với tình trạng khẩn cấp.

6. Tăng cường nghiên cứu khoa học cơ bản, tăng cường ứng dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như Internet, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong công tác ứng phó với tình trạng khẩn cấp.

7. Các biện pháp ứng phó với tình trạng khẩn cấp phù hợp với tính chất, mức độ và phạm vi nguy hại của tình huống khẩn cấp; nếu có nhiều biện pháp để lựa chọn, phải chọn biện pháp bảo vệ quyền lợi của công dân, pháp nhân và tổ chức khác ở mức độ cao nhất và gây ít thiệt hại nhất đến quyền lợi của người khác và môi trường sinh thái và kịp thời điều chỉnh theo tình hình thay đổi, đảm bảo hiệu quả, khoa học, chính xác.

8. Nhà nước hợp tác và trao đổi với các chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế liên quan trong công tác phòng ngừa và chuẩn bị, giám sát và cảnh báo, ứng phó khẩn cấp và cứu trợ, khôi phục và tái thiết hậu quả của tình trạng khẩn cấp.

Điều 4. Nguyên tắc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền công dân, quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân

1. Việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền công dân, quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải bảo đảm có mục đích chính đáng.

2. Việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền công dân, quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải bảo đảm tương xứng.

3. Việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền công dân, quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải bảo đảm không phân biệt đối xử.

4. Việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền công dân, quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải bảo đảm có căn cứ rõ ràng.

Điều 5. Áp dụng Luật tình trạng khẩn cấp và các luật có liên quan

1. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, các biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp trên lãnh thổ Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan.

[...]