Kế hoạch hành động 3651/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TU và Nghị quyết 34/NQ-HĐND về đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 3651/KH-UBND
Ngày ban hành 22/08/2022
Ngày có hiệu lực 22/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Phan Tấn Cảnh
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3651/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 22 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 18-NQ/TU NGÀY 19/01/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH KHÓA XIV VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 34/NQ-HĐND NGÀY 22/7/2022 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÓA XI VỀ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 19/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 18-NQ/TU) và Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 22/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI về đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 34/NQ-HĐND),

Thực hiện Chương trình hành động số 143-CTr/BCS ngày 08/3/2022 của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 19/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tổ chức phổ biến, quán triệt nghiêm túc và đầy đủ các nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TU và Nghị quyết số 34/NQ-HĐND đến toàn thể đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân địa phương.

- Tăng cường sự chủ động của từng cấp, từng ngành trong việc thực hiện và phối hợp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu Nghị quyết đề ra. Huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung phát triển công nghiệp.

2. Yêu cầu:

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, xác định những nội dung trọng tâm, trọng điểm bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể; phân công rõ nhiệm vụ cho các Sở, ngành, địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho từng giai đoạn đề ra trong Nghị quyết 18-NQ/TU và Nghị quyết 34/NQ-HĐND.

- Các hoạt động triển khai phải đảm bảo hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết, gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong từng giai đoạn.

- Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo, điều hành và xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này.

- Bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các Sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Đến năm 2025:

- Đến năm 2025, Ninh Thuận là tỉnh phát triển khá, cơ bản là một trong những Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Tập trung phát triển công nghiệp năng lượng, cảng biển, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp khác. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17-18%/năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 29-30% giá trị GRDP toàn tỉnh.

- Xác định phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo là trụ cột, động lực và là một trong những ngành đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện đưa vào vận hành khoảng 6.500 MW (điện mặt trời 3.440 MW, điện gió trên bờ và gần bờ 1.200 MW, thủy điện 360 MW, điện khí LNG 1.500 MW- theo định hướng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045). Phát triển năng lượng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, cung cấp nguồn năng lượng ổn định với giá cả hợp lý để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo.

- Phát triển công nghiệp chế biến theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; ưu tiên các ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng, lợi thế gắn với vùng nguyên liệu tập trung. Phát triển mạnh một số sản phẩm công nghiệp chế biến, nhất là chế biến xuất khẩu các sản phẩm đặc thù, có khả năng cạnh tranh cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị.

- Thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp mới với công nghệ cao, quy mô hiện đại để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng, công nghiệp nặng, các ngành công nghiệp khác, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề theo quy hoạch.

- Tập trung hoàn thành đầu tư hạ tầng một số Khu, cụm công nghiệp; thu hút đầu tư các dự án thứ cấp vào các Khu, cụm công nghiệp; tỷ lệ lấp đầy các Khu công nghiệp hiện có đạt từ 50% trở lên.

2. Định hướng đến năm 2030:

- Đến năm 2030 phát triển một số sản phẩm công nghiệp chế biến, nhất là sản phẩm chế biến xuất khẩu có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước và từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt bình quân 18%/năm, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 40%.

- Đầu tư hoàn thiện hạ tầng, nâng cao tỷ lệ lấp đầy và khai thác hiệu quả các Khu, cụm công nghiệp. Thu hút đầu tư và đưa vào vận hành các nhà máy điện để đạt quy mô công suất tích lũy 11.800 MW (theo định hướng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045). Tập trung nguồn lực hình thành và phát triển một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát triển công nghiệp:

Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh nắm rõ chủ trương, chính sách về phát triển công nghiệp. Trên cơ sở đó các Sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để đẩy mạnh phát triển công nghiệp tại địa phương. Cải tiến, duy trì hoạt động của các trang thông tin điện tử, bản tin, chuyên trang, chuyên mục để kịp thời đăng tải những thông tin về các cơ chế, chính sách mới, các thủ tục hành chính liên quan đến việc đầu tư, kinh doanh phát triển công nghiệp.

- Cơ quan thực hiện: Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố; các cơ quan báo, đài phát thanh và truyền hình.

- Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Thời gian thực hiện: Thường xuyên và hàng năm.

[...]