Nghị quyết 34/NQ-HĐND năm 2022 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 34/NQ-HĐND
Ngày ban hành 22/07/2022
Ngày có hiệu lực 20/07/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Phạm Văn Hậu
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/NQ-HĐND

Ninh Thuận, ngày 22 tháng 7 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA XI KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XII về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XII về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 19 tháng 01 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 74/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận 05 năm 2021 - 2025;

Xét Tờ trình số 78/TTr-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu, chỉ tiêu

a) Đến năm 2025

Đến năm 2025, Ninh Thuận là tỉnh phát triển khá, cơ bản là một trong những trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Tập trung phát triển công nghiệp năng lượng, cảng biển, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp khác. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17 - 18%/năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 29 - 30% giá trị GRDP toàn tỉnh (trong đó: Khai khoáng chiếm 0,9%; công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 5,4%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước 22,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải 0,4%).

Xác định phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo là trụ cột, là động lực và là một trong những ngành đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đến năm 2025 tổng công suất các nhà máy điện đưa vào vận hành khoảng 6.500 MW (điện mặt trời 3.440 MW, điện gió trên bờ và gần bờ 1.200 MW, thủy điện 360 MW, điện khí LNG 1.500 MW). Phát triển năng lượng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, cung cấp nguồn năng lượng ổn định với giá cả hợp lý để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo.

Phát triển công nghiệp chế biến theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng, lợi thế gắn với vùng nguyên liệu. Phát triển mạnh một số sản phẩm công nghiệp chế biến, nhất là chế biến xuất khẩu các sản phẩm đặc thù, có khả năng cạnh tranh cao, tham gia vào chuỗi giá trị.

Thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp mới với công nghệ cao, quy mô hiện đại để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng, công nghiệp nặng, các ngành công nghiệp khác, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề theo quy hoạch.

Tập trung hoàn thành đầu tư hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp (Thành Hải mở rộng, Du Long, Phước Nam, Quảng Sơn, Hiếu Thiện, Phước Tiến); thu hút đầu tư các dự án thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện có đạt từ 50% trở lên.

b) Định hướng đến năm 2030

Đến năm 2030 phát triển một số sản phẩm công nghiệp chế biến, nhất là sản phẩm chế biến xuất khẩu có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước và từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt bình quân 18%/năm, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 40%.

Đầu tư hoàn thiện hạ tầng, nâng cao tỷ lệ lấp đầy và khai thác hiệu quả các khu, cụm công nghiệp. Thu hút đầu tư và đưa vào vận hành các nhà máy điện để đạt quy mô công suất tích lũy 11.800 MW (theo định hướng Quy hoạch). Tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

2. Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

a) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các chính quyền nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về phát triển công nghiệp. Đổi mới công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển công nghiệp

Chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển công nghiệp, nhất là Nghị quyết số 115/NQ - CP ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023; Kế hoạch số 113-KH/TU, ngày 11 tháng 7 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 23 - NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 239-KH/TU ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ công chức, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò cốt lõi của phát triển công nghiệp trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường. Đối với các dự án trọng điểm về phát triển công nghiệp có quy mô lớn, đề nghị tạo dư luận rộng rãi nhằm tranh thủ sự đồng thuận của xã hội và các tầng lớp nhân dân khi thực hiện dự án.

b) Hoàn thiện, đổi mới cơ chế chính sách phát triển công nghiệp

[...]