Kế hoạch 968/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030

Số hiệu 968/KH-UBND
Ngày ban hành 17/03/2023
Ngày có hiệu lực 17/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Dương Anh Đức
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 968/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 7257/BYT-TCDS ngày 25 tháng 12 năm 2020 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, nội dung cụ thể như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT

Kế hoạch hóa gia đình góp phần bảo vệ sức khỏe sinh sản, bảo đảm cuộc sống bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, giảm vô sinh, cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em, giảm tử vong bà mẹ và trẻ em có liên quan đến thai sản.

Trong những năm qua, chương trình kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu quan trọng, kiểm soát thành công tốc độ gia tăng dân số. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai của Thành phố đạt ở mức 70%, biện pháp tránh thai hiện đại trên 60% trong giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, là Thành phố đông dân nhất so với cả nước, mặc dù mức sinh thấp nhưng mỗi năm quy mô dân số vẫn tăng bình quân gần 200.000 dân, nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai của phụ nữ tuổi từ 15 - 49 vẫn ở mức cao; tình trạng nạo phá thai tuy có giảm nhưng vẫn còn cao so với mặt bằng chung của cả nước (Tỷ số phá thai năm 2020: 33,46 và năm 2021: 29,03). Bên cạnh đó, đa số người dân nhập cư và người làm việc ở các khu chế xuất - khu công nghiệp của Thành phố đều trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi), nhu cầu cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình rất lớn. Mặc dù Nhà nước đã ban hành các chính sách khuyến khích, phát triển xã hội hóa cung cấp các phương tiện tránh thai, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của từng nhóm đối tượng.

Việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là thật sự cần thiết. Kế hoạch được triển khai thực hiện nhằm đảm bảo đầy đủ, đa dạng, kịp thời, an toàn, thuận tiện, có chất lượng về các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình ngày càng cao của người dân trên địa bàn Thành phố, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030.

- Công văn số 7257/BYT-TCDS ngày 25 tháng 12 năm 2020 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030.

- Quyết định số 1347/QĐ-BYT ngày 22 tháng 02 năm 2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030.

- Kế hoạch số 2347/KH-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.

III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI

1. Đối tượng

- Đối tượng thụ hưởng: nam nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên, người lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp ...

- Đối tượng tác động: người dân trong toàn xã hội, ban ngành đoàn thể, cán bộ y tế, dân số, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình.

2. Phạm vi: trên toàn Thành phố Hồ Chí Minh.

IV. THỰC TRẠNG DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

1. Kết quả đạt được

Trong thời gian qua, với nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn, trong đó có dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm đầu tư cả về số lượng và chất lượng trong hệ thống y tế công lập và ngoài công lập, kết quả thực hiện như sau:

Nhu cầu về dịch vụ kế hoạch hóa gia đình của người dân cơ bản được đáp ứng, các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được quan tâm, ưu tiên hỗ trợ. Tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại của Thành phố Hồ Chí Minh luôn đạt mức cao so với cả nước và duy trì trong nhiều năm qua (năm 2022 là 60%). Các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu và sự hài lòng của người dân.

Mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình ngày càng được củng cố và phát triển rộng khắp từ Thành phố đến cơ sở. Trong đó gồm:

- Y tế công lập: Khoa chăm sóc Sức khỏe sinh sản thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện sản khoa, Khoa Sản - Bệnh viện đa khoa, Khoa Sức khỏe sinh sản thuộc 22 Trung tâm Y tế và 310 Trạm Y tế phường, xã, thị trấn thuộc Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện.

- Y tế ngoài công lập: Bệnh viện đa khoa, chuyên sản phụ khoa và Phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân thực hiện dịch vụ sản phụ khoa.

- Hệ thống nhà thuốc, đại lý thuốc tây, cộng tác viên dân số, cộng tác viên y tế ấp, khu phố trực tiếp tư vấn, cấp phát phương tiện tránh thai phi lâm sàng miễn phí cho đối tượng theo quy định và đáp ứng việc phân phối phương tiện tránh thai tiếp thị xã hội, xã hội hóa theo nhu cầu cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.

[...]