Kế hoạch 962/KH-UBND về phát triển sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2021

Số hiệu 962/KH-UBND
Ngày ban hành 14/04/2021
Ngày có hiệu lực 14/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Hà Trọng Hải
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 962/KH-UBND

Lai Châu, ngày 14 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU NĂM 2021

Thực hiện Luật Chăn nuôi năm 2018; Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi; các Thông tư của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn: Số 20/2019/TT-BNNPTNT ngày 22/11/2019 quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi; số 21/2019/TT-BNNPTNT ngày 28/11/2019 hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi; số 22/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về quản lý giống và sản phẩm giống vật nuôi; số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi.

Để triển khai công tác phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đề ra, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh năm 2021 với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở về việc chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phát triển chăn nuôi. Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về sản xuất chăn nuôi theo chuỗi hàng hóa. Khuyến khích xây dựng và nhân rộng các mô hình an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; mô hình liên kết chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc.

Phát triển sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung trang trại hoặc liên kết các hộ thành nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ trong chăn nuôi, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh ở trên đàn vật nuôi, không để dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan. Chủ động, quyết liệt triển khai đạt và vượt các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh năm 2021.

Phấn đấu đến cuối năm 2021, tổng đàn gia súc đạt 360.550 con, trong đó đàn trâu 96.300 con đàn bò 20.600 con, đàn lợn 202.600 con, đàn ngựa đạt 4.950 con, đàn dê đạt 36.100 con; đàn gia cầm đạt 1.607.000 con; sản lượng thịt hơi các loại đạt 14,6 nghìn tấn, trong đó thịt lợn 10,1 nghìn tấn.

(Chi tiết tại Phụ lục kèm theo)

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

- Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các thủ tục hành chính và các quy định liên quan theo quy định của Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tham mưu UBND tỉnh ban hành và trực tiếp ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi ở cấp huyện, cấp xã; tham mưu kiện toàn, củng cố nhân lực trong hệ thống chăn nuôi, thú y từ tỉnh tới cơ sở, bảo đảm theo quy định, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, để thực hiện yêu cầu kế hoạch sản xuất chăn nuôi của tỉnh năm 2021 và những năm tiếp theo.

- UBND các huyện, thành phố căn cứ nội dung Kế hoạch này và tình hình chăn nuôi của địa phương, xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất chăn nuôi của huyện, thành phố; Chỉ đạo UBND cấp xã khẩn trương tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất chăn nuôi, kê khai hoạt động chăn nuôi đối với các tổ chức, cá nhân chăn nuôi theo quy định tại Điều 54, Điều 80 của Luật Chăn nuôi; loại vật nuôi và số lượng vật nuôi phải kê khai theo quy định tại Thông tư số 23/2019/TT- BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Các ngành chức năng liên quan và UBND các huyện, thành phố phối hợp với ngành nông nghiệp, trực tiếp lãnh đạo, triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về chăn nuôi thuộc địa bàn quản lý theo đúng quy định của Luật Chăn nuôi và đạt mục tiêu theo chỉ đạo sản xuất chăn nuôi của tỉnh.

2. Công tác tuyên truyền

Ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương phối hợp với các cơ quan tuyên truyền ở từng cấp, các tổ chức chính trị xã hội,... thường xuyên thực hiện tuyên truyền Luật Chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, kế hoạch sản xuất chăn nuôi, các đề án, chương trình trọng điểm, chính sách hỗ trợ về chăn nuôi, thú y của tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và áp dụng quy trình sản xuất chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chăn nuôi theo kế hoạch, liên kết theo chuỗi, gắn với thị trường, đáp ứng yêu cầu trong chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu lại chăn nuôi và yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững.

3. Các nhiệm vụ và giải pháp chuyên môn

3.1. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu lại chăn nuôi, cơ cấu lại giống vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất và giá trị

- Đối với chăn nuôi lợn

Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ về quản lý hoạt động chăn nuôi lợn theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại văn bản số 1965/BNN-TY ngày 18/3/2020 về việc tổ chức hướng dẫn tái đàn, tăng đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học; Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 27/3/2019 của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh Lai Châu quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025; các văn bản của UBND tỉnh: Số 3093/UBND-KTN ngày 31/12/2019 về việc đẩy mạnh tái đàn trong chăn nuôi lợn và tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm bù đắp sản lượng thịt thiếu hụt do bệnh DTLCP; số 406/UBND-KTN ngày 02/3/2020 về việc tăng cường triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; số 638/UBND- KTN ngày 31/3/2020 về việc tập trung tổ chức phòng, chống dịch bệnh, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học.

Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất lợn giống tại địa phương tăng cường việc nhân giống, cung ứng con giống đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi để tiếp tục thực hiện việc tái đàn, tăng đàn lợn; hướng dẫn các hộ chăn nuôi các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng đàn nái hiện có để nhân giống, cung cấp con giống phục vụ việc tái đàn lợn tại địa phương, nhằm giảm chi phí sản xuất, hạn chế dịch bệnh xâm nhập và lây lan. Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi chọn mua con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở chăn nuôi có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân, thay đổi phương thức chăn nuôi từ truyền thống, sang hướng chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chăn nuôi theo hình thức trang trại, liên kết trong sản xuất thông qua các hình thức liên kết, giữa cơ sở chăn nuôi lợn thương phẩm với các cơ sở cung cấp con giống, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cơ sở thu mua, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, nhằm đảm bảo và nâng cao hiệu quả trong sản xuất chăn nuôi. Khuyến cáo người chăn nuôi tận dụng nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp sẵn có tại địa phương làm thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nhỏ và vừa theo phương thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường gắn với giết mổ, chế biến, tiêu thụ an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

- Chăn nuôi trâu, bò, ngựa

Duy trì, ổn định và phát triển đàn trâu, bò theo hướng nâng cao tầm vóc, chất lượng, tập trung tại các địa phương có tiềm năng phát triển. Mục tiêu là sản xuất trâu, bò thịt nhằm cung cấp thực phẩm, một phần cung cấp giống hàng hóa trong địa bàn tỉnh và bán ra ngoài tỉnh.

Tổ chức triển khai và quản lý hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ chuyển đổi phương thức chăn nuôi và cải tạo đàn gia súc theo Nghị quyết số 07/2021/NQ- HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh Lai Châu quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 202-2025; Quyết định số 04/QĐ- UBND ngày 17/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu.

Quy hoạch lại khu vực chăn nuôi, những vùng đồi núi đá, trồng cây lương thực kém hiệu quả chuyển sang trồng cây thức ăn thô xanh, nơi có diện tích rộng, dân cư thưa, có bãi chăn thả rộng để phát triển chăn nuôi đại gia súc và động vật ăn cỏ. Thực hiện vỗ béo đàn gia súc thịt trước khi xuất bán, quan tâm thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tuân thủ quy trình phòng chống dịch bệnh, rút ngắn thời gian nuôi và tăng trọng lượng khi xuất chuồng. Tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng giống tại địa phương.

[...]