Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 96/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2030

Số hiệu 96/KH-UBND
Ngày ban hành 24/04/2024
Ngày có hiệu lực 24/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Ngô Hạnh Phúc
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/KH-UBND

Yên Bái, ngày 24 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MA TÚY TRONG THANH, THIẾU NIÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình) với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy trong thanh, thiếu niên; giảm số lượng thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, vi phạm pháp luật về ma túy hằng năm, góp phần xây dựng thế hệ thanh, thiếu niên phát triển toàn diện; có lý tưởng cách mạng; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe và lối sống lành mạnh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của thanh, thiếu niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Kiềm chế tỷ lệ gia tăng; tiến tới giảm số lượng thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy so với năm trước. Bảo đảm quản lý chặt chẽ số thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, sau cai nghiện ma túy theo quy định. Đến năm 2025, trên 80% và năm 2030, trên 90% thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tư vấn, khám sàng lọc, đánh giá, được giáo dục thay đổi hành vi, điều trị, cai nghiện ma túy thích hợp và thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy, thanh, thiếu niên chấp hành xong án phạt tù về tội phạm ma túy được hỗ trợ dạy nghề, việc làm và các hoạt động hỗ trợ hòa nhập cộng đồng theo quy định pháp luật.

3. Hằng năm, tổ chức Đoàn các cấp phát động phong trào thanh niên hưởng ứng, tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy. Các tổ chức Đoàn xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về ma túy xây dựng mô hình phòng, chống ma túy; trong đó mỗi năm giúp đỡ, hỗ trợ để cảm hóa được ít nhất 01 thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy hoặc thanh, thiếu niên chấp hành xong án phạt tù về tội phạm ma túy tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định.

4. Hằng năm, làm giảm số vụ thanh, thiếu niên phạm tội về ma túy so với năm trước; các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy liên quan đến thanh, thiếu niên được đấu tranh, triệt xóa kịp thời và không để tái hình thành; trên 90% số vụ phạm tội về ma túy phát hiện liên quan đến thanh, thiếu niên được giải quyết, xét xử theo quy định.

5. Hằng năm, ít nhất 70% cơ sở giáo dục bậc trung học cơ sở trở lên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng, chống ma túy cho cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên. Đến năm 2025, trên 80% và năm 2030, 100% cán bộ, giáo viên, giảng viên được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy để có đủ năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên

a) Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thường xuyên quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên, gắn với thực hiện quyết liệt, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác thanh niên và công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy(1).

- Coi phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên là nội dung quan trọng, cấp bách trong tổng thể chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy, phải được thực hiện quyết liệt, thường xuyên, kiên trì góp phần bảo vệ và phát huy vai trò của thanh, thiếu niên đối với sự phát triển bền vững của đất nước; trong đó phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, ngành Giáo dục và tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp.

- Kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống; lấy phòng ngừa là chính, coi trọng phòng ngừa ngay từ gia đình, cơ sở giáo dục, tổ dân phố, khu dân cư, xã, phường, thị trấn. Chủ động, kịp thời phát hiện sớm và can thiệp sớm đối với thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy; kết hợp với tăng cường đấu tranh ngăn chặn tội phạm và tệ nạn ma túy xâm nhập vào thanh, thiếu niên.

b) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, nhất là giữa lực lượng Công an, các cấp bộ Đoàn, cơ sở giáo dục và các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội; kết hợp với tăng cường vai trò, trách nhiệm của mỗi gia đình trong công tác phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên.

c) Phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên; trước hết không để bản thân và con em trong gia đình vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy. Thực hiện nghiêm chỉnh Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, nhất là đối với trường hợp bản thân người đứng đầu, cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy hoặc thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến con em hoặc cấp dưới trực tiếp vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

d) Bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác; xây dựng, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu về phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên.

đ) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về không gian mạng; thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, xóa bỏ kịp thời các trang thông tin xấu độc, kích động, lôi kéo thanh, thiếu niên tham gia tội phạm và tệ nạn ma túy; các hội, nhóm trá hình, thông tin hướng dẫn điều chế, sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy trên không gian mạng.

e) Tăng cường đầu tư nguồn lực, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy, hỗ trợ thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy, thanh, thiếu niên chấp hành xong án phạt tù về tội phạm ma túy tái hòa nhập cộng đồng. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp; phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và các nguồn vốn khác từ Chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030.

g) Lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên với thực hiện các chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, khắc phục tình trạng thiếu việc làm trong thanh niên.

h) Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, địa phương.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên

a) Tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống ma túy, cảnh báo trực diện cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên và phụ huynh về hậu quả, tác hại, hiểm họa của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, chất hướng thần, các loại ma túy “núp bóng”, pha trộn, tẩm ướp vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới, shisha...; phương thức, thủ đoạn lôi kéo thanh, thiếu niên tham gia vào hoạt động phạm tội và tệ nạn ma túy; cách thức nhận biết, kỹ năng phòng ngừa, chủ động tham gia tố giác và cung cấp thông tin về tội phạm, tệ nạn ma túy cho cơ quan chức năng.

b) Tổ chức tuyên truyền cá biệt tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao như thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy, không có công ăn việc làm, có tiền án, tiền sự; học sinh, sinh viên cá biệt; thanh, thiếu niên vùng dân tộc thiểu số, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh đặc biệt khác.

c) Đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền với nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền; kết hợp giữa truyền thông đại chúng với tuyên truyền trực tiếp đến từng gia đình, tổ dân phố, cụm dân cư và các cơ sở giáo dục. Tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền phòng, chống ma túy cho thanh, thiếu niên hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma tuý (tháng 6), Ngày Quốc tế phòng, chống ma tuý và Ngày toàn dân phòng, chống ma tuý (26/6); Tháng Thanh niên, Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3); Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11).

d) Đẩy mạnh khai thác, sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông hiện đại và các thành tựu khoa học - công nghệ, nhất là Internet, không gian mạng để tuyên truyền, tương tác trực tuyến giữa thanh, thiếu niên với cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống ma túy.

đ) Xây dựng các chương trình, tài liệu tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý cho thanh, thiếu niên, phù hợp với đối tượng. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng cần thiết cho đội ngũ tuyên truyền viên, cán bộ, giáo viên để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy.

e) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thông tin, truyền thông, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và trách nhiệm của ngành giáo dục. Lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên tại địa bàn cơ sở và các cơ sở giáo dục. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể cá nhân, đoàn viên, thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia công tác phòng, chống ma túy.

[...]