Kế hoạch 91/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình hành động 08 CTr/TU về lãnh đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 91/KH-UBND
Ngày ban hành 24/06/2016
Ngày có hiệu lực 24/06/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Hoàng Văn Trà
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 91/KH-UBND

Phú Yên, ngày 24 tháng 6 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH ỦY SỐ 08 CTR/TU NGÀY 26/4/2016 VỀ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy số 08-CTr/TU ngày 26/4/2016 về lãnh đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; khai thác tiềm năng lợi thế, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và cải thiện nhanh đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết của tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI, giai đoạn 2015-2020.

2. Cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy số 08-CTr/TU phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương; trong đó tiếp tục tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1008/QĐ-UBND ngày 16/6/2015; Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 16/11/2010 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh và các văn bản có liên quan.

3. Xác định cụ thể các nhiệm vụ, thời gian hoàn thành và phân công phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch, làm cơ sở để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy số 08-CTr/TU.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tiếp tục thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới.

- Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các hoạt động thực hiện kế hoạch của đơn vị để phổ biến và quán triệt Chương trình hành động của Tỉnh ủy số 08-CTr/TU và Kế hoạch của UBND tỉnh và theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cụ thể liên quan đến đơn vị để thực hiện đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

- Các cơ quan truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng, các trang điện tử của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đưa tin về thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh nhằm thống nhất nhận thức và tạo đồng thuận xã hội trong triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Đề cao vai trò của nông dân, ngư dân và doanh nhân, doanh nghiệp xem đây là các chủ thể quan trọng của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, góp phần phát huy tiềm năng lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo bền vững.

- Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn ngành Nông nghiệp và PTNT chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới”; “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến có đóng góp tích cực, hiệu quả trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

2. Tập trung triển khai thực hiện các nội dung cụ thể về tái cơ cấu theo lĩnh vực, sản phẩm chủ lực theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ sau:

2.1. Lĩnh vực trồng trọt.

a) Chỉ tiêu phấn đấu:

- Giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt bình quân hàng năm tăng 2-2,5%; tỷ trọng giá trị sản xuất trồng trọt chiếm khoảng 38% vào năm 2020 của tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản.

- Giá trị sản phẩm thu được trên đơn vị diện tích đất trồng trọt đạt 110trđ/ha/năm (tăng 1,5 lần).

- Nâng dần tỷ lệ diện tích cây trồng áp dụng VietGAP và tương đương.

b) Nội dung triển khai trọng tâm:

- Phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng lãnh thổ (lúa, gạo, mía, sắn, rau hoa củ quả, hồ tiêu…).

- Kiến thiết lại đồng ruộng theo hướng tập trung diện tích, quy mô cánh đồng lớn; khuyến khích nông dân, chủ trang trại góp cổ phần bằng giá trị sử dụng đất, cho thuê đất, hợp tác liên kết tham gia cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác vào sản xuất theo chuỗi, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh.

- Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ giống và kỹ thuật canh tác, đặc biệt là công nghệ cao, trong đó:

+ Về giống cây nông nghiệp: Khảo nghiệm, phục tráng các giống có đặc tính tốt ở địa phương, phát triển đưa vào cơ cấu sản xuất các giống lúa, ngô, mía, sắn, rau quả, hồ tiêu...có năng suất cao, chất lượng tốt thích ứng với từng vùng sinh thái của tỉnh; kiểm nghiệm chất lượng giống nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ nông nghiệp và PTNT.

Chủ động tiếp cận và ứng dụng đưa vào sản xuất các giống biến đổi gen (ngô, đậu tương...) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế; tăng tỷ lệ sử dụng hạt giống cấp xác nhận trở lên, lúa lai F1 để đạt trên 90% diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh; kéo giảm lượng giống gieo sạ theo tập quán quá dày (trên 120kg/ha), giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân.

+ Về kỹ thuật, công nghệ áp dụng: Phát triển các vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất bền vững theo thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Triển khai các mô hình tưới cây vùng đồi (mía, sắn, hồ tiêu) theo hướng tiết kiệm nước; tăng hiệu suất sử dụng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hóa chất nhằm giảm chi phí tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

Ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu sản xuất nông nghiệp bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất của từng vùng; trước hết là các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các khâu sản xuất nặng nhọc (làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch...), các khâu sấy, bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch; tập trung tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất đối với lúa, ngô, mía, sắn...

c) Định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, trong đó:

(1). Lúa gạo: Duy trì và sử dụng linh hoạt khoảng 24.000 ha chuyên trồng lúa nước (hai vụ chính); rà soát quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao (khoảng 10.000 ha) tập trung ở các địa bàn sử dụng nước hệ thống thủy nông Đồng Cam, xác định cơ cấu giống phù hợp với nhu cầu thị trường và đầu tư hạ tầng đồng bộ; chuyển đổi diện tích gieo trồng lúa hiệu quả thấp sang cây trồng hàng năm khác hoặc nuôi trồng thủy sản phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng sản phẩm mang lại lợi nhuận cao hơn; nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, tiết kiệm giống, phân bón, nước, hạn chế sử dụng thuốc BVTV; khuyến khích nông dân tham gia vào các mô hình sản xuất liên kết, sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thu gom, tái sử dụng các phế phẩm rơm rạ, vỏ trấu...để tăng giá trị gia tăng. Sản lượng lúa đạt khoảng trên 34 vạn tấn hàng năm. Giai đoạn 2016-2020 chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây hàng năm trên 3.000 ha trong đó ngô 1.300ha, đậu đỗ 700ha, rau quả 960ha, cây dược liệu 100ha, trồng cỏ chăn nuôi…

[...]