Kế hoạch 91/KH-UBND về hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho làng nghề năm 2020 do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 91/KH-UBND
Ngày ban hành 04/05/2020
Ngày có hiệu lực 04/05/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Văn Sửu
Lĩnh vực Thương mại,Sở hữu trí tuệ

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 91/KH-UBND

Hà Nội, ngày 04 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU VÀ XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU NHÃN HIỆU TẬP THỂ CHO LÀNG NGHỀ NĂM 2020

Căn cứ Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 của HĐND Thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho làng nghề trên địa bàn Thành phố năm 2020 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Hỗ trợ các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn Thành phố xây dựng, phát triển thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ gìn bản sắc truyền thống và danh tiếng vốn có của các làng nghề trên thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với các điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tạo điều kiện để các làng nghề của Hà Nội bảo tồn và phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

2. Yêu cầu

- Việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề phải thực hiện đúng quy định, thu hút được sự quan tâm và tham gia của các làng nghề trên địa bàn Thành phố.

- Các làng nghề được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể nắm được chính sách liên quan đến hỗ trợ và quảng bá thương hiệu cho làng nghề trên địa bàn Thành phố, tạo được sự chuyển biến mạnh từ nhận thức tới hành động của các làng nghề về phát triển và xây dựng thương hiệu.

II. NỘI DUNG

1. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ

Các làng nghề đang làm thủ tục đề nghị công nhận và các làng nghề đã được UBND Thành phố công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống (Chưa được hỗ trợ đủ 05 nội dung được quy định tại Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 của Hội đồng nhân dân Thành phố) có nhu cầu hỗ trợ và được UBND quận, huyện, thị xã có văn bản đề nghị hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể từ nguồn ngân sách Thành phố.

- Đại diện làng nghề là: là đơn vị được các thành viên của làng nghề, làng nghề truyền thống ủy quyền có xác nhận của UBND cấp xã, gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệp hội làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác.

2. Nội dung hỗ trợ

- Đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và phát triển thương hiệu:

- Tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho thương hiệu làng nghề.

- Đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng (logo) và hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng cho thương hiệu làng nghề.

- Hỗ trợ các hoạt động truyền thông, maketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề.

- Tư vấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể trên lãnh thổ Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Thành phố.

3. Thứ tự ưu tiên

Việc hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hu nhãn hiệu tập thể thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau:

- Làng nghề đăng ký thực hiện đủ 05 nội dung hỗ trợ, có kế hoạch và dự toán kinh phí xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, trong đó có phương án duy trì, phát triển thương hiệu sau khi được hỗ trợ xây dựng thương hiệu năm 2020.

- Làng nghề có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Thành phố.

- Làng nghề có sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Thành phố.

- Làng nghề đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể nhưng chưa đủ 05 nội dung quy định tại Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 của Hội đồng nhân dân Thành phố.

4. Trình tự thực hiện

4.1. Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký của các quận, huyện, thị xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Kiểm tra, rà soát đối tượng, nội dung, tổng hợp danh sách, hồ sơ đề nghị theo thứ tự ưu tiên; phối hợp Sở Tài chính, Sở Công Thương lựa chọn danh sách làng nghề, đại diện làng nghề, nội dung và mức hỗ trợ cho từng làng nghề.

[...]