Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 90/KH-UBND điều trị, cai nghiện ma túy, phòng chống tệ nạn mại dâm, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2024 do tỉnh Lào Cai ban hành

Số hiệu 90/KH-UBND
Ngày ban hành 05/02/2024
Ngày có hiệu lực 05/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Giàng Thị Dung
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 90/KH-UBND

Lào Cai, ngày 05 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

ĐIỀU TRỊ, CAI NGHIỆN MA TÚY, PHÒNG CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM, TIẾP NHẬN VÀ HỖ TRỢ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN TRỞ VỀ NĂM 2024

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phòng chống mua bán người, mại dâm, ma tuý giai đoạn 2021 - 2025 (Văn bản số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021;số 1629/QĐ-TTg ngày 28/9/2021; số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021) và các Quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Văn bản số 525/QĐ-BLĐTBXH ngày 5/5/2021; số 808/QĐ-BLĐTBXH ngày 5/9/2022).

Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh ban hành thực hiện chương trình phòng chống ma tuý, phòng chống mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về giai đoạn 2021-2025 (Văn bản số 380/KH-UBND ngày 02/11/2021, số 274/KH-UBND ngày 22/6/2021, số 433/KH-UBND ngày 27/12/2021); Quyết định số 29/QĐ- BLĐTBXH ngày 16/01/2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Bộ chỉ số giám sát, quy trình kiểm tra và đánh giá thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 và Đề án số 405/ĐA-UBND ngày 19/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về việc nâng cao năng lực, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch Điều trị, cai nghiện ma túy, phòng chống tệ nạn mại dâm, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2024, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

1.1. Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về phòng, chống tệ nạn xã hội.

1.2. Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện; tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, điều trị nghiện; nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, điều trị nghiện ma túy tại các cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy.

1.3. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Tăng cường phòng ngừa, tiến tới đẩy lùi tệ nạn mại dâm dưới mọi hình thức; Giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm, đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội của người bán dâm, tạo cơ hội giúp họ hòa nhập cộng đồng bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Phấn đấu trên 90% xã, phường, thị trấn được tuyên truyền bằng các hình thức về phòng, chống tệ nạn xã hội; trên 90% cán bộ các cấp và trên 70% người dân trong độ tuổi trưởng thành hiểu biết về dự phòng và điều trị nghiện ma túy, phòng chống mại dâm, mua bán người; giảm phân biệt, kỳ thị với người bị mua bán trở về; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân; tạo điều kiện tối đa cho người trở về được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ.

2.2. Thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở cai nghiện bắt buộc từng bước đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định của Luật Phòng chống ma tuý và đáp ứng nhu cầu phát sinh số lượng người nghiện ma túy theo quy định mới. Tăng cường xã hội hóa về cai nghiện ma túy, thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện tập trung và điều trị nghiện bằng thuốc methadone.

2.3. Kiềm chế tốc độ gia tăng người nghiện ma tuý mới; điều trị nghiện ma túy bằng các hình thức từ 60% trở lên số người nghiện có hồ sơ quản lý. Trong đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức cai nghiện, điều trị nghiện cho 1.400 người, bằng 34,5% số người nghiện có hồ sơ quản lý.

2.4. Phòng ngừa, ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý 100% vụ việc, ổ nhóm hoạt động mại dâm được phát hiện, 80% cơ sở kinh doanh dịch vụ được nâng cao nhận thức về tác hại của tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS. Tăng cường hoạt động của đội kiểm tra liên ngành 178.

2.5. 100% nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Công tác cai nghiện ma tuý

1.1. Hoạt động truyền thông về cai nghiện ma túy: Biên tập, in ấn 3.000 cuốn sổ tay "Cẩm nang về công tác cai nghiện ma tuý"; tổ chức 15 buổi truyền thông, 05 diễn đàn về công tác cai nghiện phục hồi tại 15 xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về ma túy; 02 buổi truyền thông kỹ năng phòng, chống tái nghiện tại 02 cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc của tỉnh.

- Đơn vị chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin - Truyền thông; Tỉnh đoàn; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã; UBND xã, thị trấn; Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 và số 2.

- Thời gian thực hiện: Quý II (trong Tháng hành động phòng chống ma túy) và quý III năm 2024.

- Địa điểm thực hiện: Tại UBND xã, thị trấn, trường THCS, THPT thuộc các huyện, thị xã, thành phố, Cơ sở cai nghiện ma túy.

1.2. Tập huấn nâng cao năng lực mạng lưới cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội: Tổ chức 05 lớp tập huấn cho cán bộ cấp xã (120 xã, phường trọng điểm về ma túy, cán bộ phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện); 03 lớp cho 210 tình nguyện viên, Trưởng các thôn, bản tại các xã, phường có tệ nạn ma túy.

- Đơn vị chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Đơn vị phối hợp: Sở Y tế; Công an tỉnh; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Quý II, III năm 2024.

- Địa điểm tổ chức: Tại thành phố Lào Cai.

1.3. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiện tại các địa phương có hệ thống mạng lưới cơ sở cai nghiện đồng bộ, có mô hình hoạt động hiệu quả.

[...]