Kế hoạch 878/KH-BHXH phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện "Chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội năm 2020" do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 878/KH-BHXH
Ngày ban hành 19/03/2020
Ngày có hiệu lực 19/03/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Đào Việt Ánh
Lĩnh vực Bảo hiểm,Bộ máy hành chính

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 878/KH-BHXH

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHỐI HỢP VỚI BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TRIỂN KHAI THỰC HIỆN “CHIẾN DỊCH THANH TRA TRONG LĨNH VỰC BẢO HIỂM XÃ HỘI NĂM 2020”

Thực hiện ý kiến thống nhất giữa Lãnh đạo hai Ngành (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam) về việc phối hợp tổ chức thực hiện Chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực BHXH năm 2020 và Quyết định số 1404/QĐ-LĐTBXH ngày 03/10/2019 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2020 của Bộ LĐTB&XH; BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch phối hợp với Bộ LĐTB&XH để triển khai thực hiện “Chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội năm 2020” với những nội dung sau:

I. NỘI DUNG CHIẾN DỊCH THEO QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ LĐTB&XH

1. Cơ quan chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện chiến dịch: Bộ LĐTB&XH chủ trì giao Thanh tra Bộ LĐTB&XH là đơn vị đầu mối, phối hợp với BHXH Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan truyền thông (báo, đài, ...) thực hiện chiến dịch.

2. Chủ đề Chiến dịch: “Tuân thủ pháp luật BHXH là thực hiện An sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội”.

3. Quy mô, địa điểm và thời gian thực hiện

- Chiến dịch được phát động toàn quốc, tập trung vào các doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) với số tiền lớn, thời gian kéo dài.

- Thời gian thực hiện: Chiến dịch được phát động từ tháng 01/2020 và kết thúc vào tháng 12/2020.

4. Các hoạt động chính của chiến dịch

a) Hoạt động truyền thông: Tập trung tuyên truyền pháp luật về BHXH đến người sử dụng lao động và người lao động, bên cạnh đó có hoạt động truyền thông đến toàn xã hội.

b) Hoạt động phát động chiến dịch: Chiến dịch được phát động ngay từ đầu năm với sự tham gia của đại diện cơ quan chủ trì là Ngành LĐTB&XH, cơ quan phối hợp là cơ quan BHXH, các đối tác ba bên là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan truyền thông.

c) Hoạt động đào tạo, tập huấn và hướng dẫn cải thiện tuân thủ: Dành cho đối tượng là thanh tra viên ngành LĐTB&XH, cán bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT của Ngành BHXH và các đối tượng khác như đại diện người lao động, người sử dụng lao động. Do diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 nên không tổ chức hội nghị tập trung, việc tham gia các hoạt động đào tạo, tập huấn được thực hiện thông qua việc gửi tài liệu phục vụ chiến dịch thanh tra để các địa phương nghiên cứu, thống nhất thực hiện.

d) Hoạt động thanh tra; theo dõi, xử lý các vấn đề không tuân thủ sau thanh tra: Thanh tra tại các doanh nghiệp, đon vị trốn đóng, chậm đóng BHXH nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; phát hiện những bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; đôn đốc, theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra và thực hiện các biện pháp can thiệp tuân thủ.

e) Hoạt động đánh giá, tổng kết: Là hoạt động do cơ quan chủ trì chiến dịch thực hiện với sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị tham gia chiến dịch nhằm tổng kết, đánh giá hiệu quả, tác động của chiến dịch đến việc tăng cường tuân thủ pháp luật về BHXH tại nơi làm việc.

II. KẾ HOẠCH TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CỦA BHXH VIỆT NAM

1. Hoạt động truyền thông

a) Hoạt động truyền thông được thực hiện trước, trong và sau chiến dịch.

b) Đối tượng và nội dung truyền thông: Toàn thể nhân dân (Truyền thông về chiến dịch và sai phạm phổ biến, gương điển hình tốt); người sử dụng lao động và người lao động (Truyền thông về sai phạm phổ biến, lợi ích khi tuân thủ pháp luật BHXH,...).

c) Nguồn kinh phí thực hiện: Từ nguồn chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT năm 2020 (kinh phí tuyên truyền) đã giao cho Trung tâm Truyền thông và các đơn vị.

d) Tổ chức thực hiện:

- Trung tâm Truyền thông:

+ Chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ LĐTB&XH, các đơn vị truyền thông trong và ngoài Ngành (Ban Thời sự - VTV1 Đài truyền hình Việt Nam, ...) thực hiện các nội dung trong hoạt động truyền thông của chiến dịch thanh tra như các phóng sự truyền hình, các bài viết,... tuyên truyền phổ biến pháp luật về BHXH, về chiến dịch thanh tra trước, trong và sau thời gian Chiến dịch.

+ Xây dựng dự toán kinh phí phục vụ các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Vụ Thanh tra - Kiểm tra, Ban Thu và các đơn vị trong ngành BHXH: Phối hợp với Thanh tra Bộ LĐTB&XH và Trung tâm Truyền thông để triển khai thực hiện các nội dung tuyên truyền trong chiến dịch thanh tra.

- BHXH các tỉnh, thành phố: Phối hợp với Sở LĐTB&XH triển khai thực hiện các nội dung và đảm bảo kinh phí thực hiện kế hoạch truyền thông của Chiến dịch.

2. Hội nghị phát động Chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực BHXH và hoạt động đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cải thiện tuân thủ

Hội nghị phát động Chiến dịch thanh tra và hoạt động đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cải thiện tuân thủ dự kiến tổ chức trong tháng 3/2020. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 nên ngày 17/3/2020, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Công văn số 970/LĐTBXH-TTr về việc thực hiện chiến dịch thanh tra năm 2020 trong lĩnh vực BHXH đã quyết định không tổ chức hội nghị tập trung và gửi tài liệu phục vụ chiến dịch thanh tra, tài liệu tập huấn, mẫu báo cáo lên trang thông tin điện tử http://thanhtralaodong.gov.vn.

[...]