Kế hoạch 86/KH-UBND thực hiện Quyết định 678/QĐ-TTg về chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 86/KH-UBND
Ngày ban hành 08/12/2011
Ngày có hiệu lực 08/12/2011
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Cao
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 86/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 08 tháng 12 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 678/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Thực hiện Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung chính, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích.

Đề ra các mục tiêu, biện pháp, lộ trình thích hợp, xác định cụ thể các công việc cần thực hiện và trách nhiệm của các Sở, ban, ngành trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (gọi là Quyết định 678/QĐ-TTg).

2. Yêu cầu.

Việc xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện phải quán triệt đầy đủ nội dung, tinh thần Quyết định số 678/QĐ-TTg, xác định cụ thể trách nhiệm trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành có liên quan; bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện và khả thi.

II. MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP

1. Mục tiêu tổng quát.

Phát triển trợ giúp pháp lý ổn định, bền vững, cung ứng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, đầy đủ, có chất lượng cho người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên cơ sở phát huy vai trò nồng cốt của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, huy động triệt để sự tham gia của các nguồn lực xã hội, mọi lực lượng trong hệ thống chính trị tích cực tham gia trợ giúp pháp lý góp phần bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi có vướng mắc pháp luật, bảo vệ công lý, công bằng xã hội, tăng hiệu quả thực thi công vụ và ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống.

2. Mục tiêu cụ thể của các giai đoạn.

a) Mục tiêu phát triển giai đoạn 2011 - 2015:

- Tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, giới thiệu Luật trợ giúp pháp lý, các văn bản hướng dẫn thi hành và công tác trợ giúp pháp lý trong cán bộ, nhân dân trên các Báo, Đài và các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, từ 50% - 70% người dân biết về quyền được trợ giúp pháp lý; biết về các thông tin liên quan đến tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý, địa chỉ của Trung tâm và các Chi nhánh trợ giúp pháp lý trực thuộc, chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng các hình thức thiết thực và có hiệu quả.

- Tăng cường các hoạt động trợ giúp pháp lý ở cơ sở thông qua các hình thức: trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, phát tờ gấp, tờ rơi pháp luật...

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, kiện toàn các Phòng nghiệp vụ và Chi nhánh của Trung tâm phù hợp với đặc điểm, nhu cầu ở địa phương, bảo đảm tính chuyên môn hóa.

- Huy động, khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, phấn đấu 2015 có thể thu hút tổng số tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật đăng ký tham gia TGPL.

- Bảo đảm 100% các xã, phường, thị trấn ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đều thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Tiếp tục kiện toàn tổ chức và duy trì sinh hoạt định kỳ tại tất cả các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã thành lập; trong đó, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các Câu lạc bộ thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình 135 giai đoạn II.

- Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, quản lý hành chính nhà nước, tin học; bảo đảm hàng năm tổ chức từ 03 - 04 đợt tập huấn có từ 80% - 90% tổng số người thực thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương được bồi dưỡng các kỹ năng trợ giúp pháp lý và cập nhật kiến thức văn bản mới.

- Phát triển đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, phấn đấu đến năm 2015 mỗi lĩnh vực trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 34 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP đều có ít nhất 01-02 Trợ giúp viên pháp lý; tiếp tục tham gia tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý trong các vụ án Hình sự, Dân sự, Hành chính, Lao động...

- Phát triển mạng lưới Cộng tác viên, chú trọng mở rộng cộng tác viên tại các xã đã thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, bảo đảm mỗi Câu lạc bộ có từ 02 Cộng tác viên để tham gia sinh hoạt và hỗ trợ Trung tâm, Chi nhánh của Trung tâm tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động.

- Đáp ứng 90% - 100 % nhu cầu trợ giúp pháp lý thông qua các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện người tố tụng và các hình thức trợ giúp pháp lý khác của người được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.

- Bảo đảm đáp ứng được đầy đủ nhu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý ở trên tất cả các lĩnh vực pháp luật (trừ lĩnh vực kinh doanh thương mại); trong đó, chú trọng đến các xã thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo hoặc liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Điều 34 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ).

- Bảo đảm 90% - 100% vụ việc yêu cầu tư vấn pháp luật được hoàn thành có chất lượng theo các tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; 90% các xã tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được trợ giúp pháp lý lưu động ít nhất 01 đợt/năm.

- Bảo đảm 100% vụ án khi có yêu cầu được Trợ giúp viên, luật sư là cộng tác viên tham gia bào chữa, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, bị can, bị cáo là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

- Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trợ giúp pháp lý; thực hiện thống kê trợ giúp pháp lý theo chỉ tiêu thống kê quốc gia, thống kê ngành Tư pháp và thống kê chuyên ngành trợ giúp pháp lý.

- Bố trí nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương, bao gồm kinh phí thường xuyên, kinh phí không thường xuyên và kinh phí chi cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý trong từng năm và trong cả giai đoạn;

- Có kế hoạch bố trí trụ sở làm việc độc lập, thuận lợi cho Trung tâm và Chi nhánh. Trong trường hợp không bố trí được thì cần xác định rõ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản và trang thiết bị, phương tiện làm việc cho Trung tâm và Chi nhánh theo định mức, tiêu chuẩn tách bạch khỏi kinh phí chi cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đề ra.

[...]