Kế hoạch 8554/KH-UBND năm 2021 về Truyền bá rộng rãi những giá trị mới của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung xây dựng con người Đồng Nai phát triển toàn diện do tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 8554/KH-UBND
Ngày ban hành 22/07/2021
Ngày có hiệu lực 22/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Thị Hoàng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8554/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 22 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRUYỀN BÁ RỘNG RÃI NHỮNG GIÁ TRỊ MỚI CỦA CON NGƯỜI VIỆT NAM THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA. TẬP TRUNG XÂY DỰNG CON NGƯỜI ĐỒNG NAI PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Thực hiện Kế hoạch số 34-KH/TU ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 lĩnh vực công tác tuyên giáo;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Truyền bá rộng rãi những giá trị mới của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung xây dựng con người Đồng Nai phát triển toàn diện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; về những biến động lớn của hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay trong bối cảnh chuyển đổi đa chiều, phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế; về kinh tế là sự chuyển đổi từ cơ chế kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sang nền kinh tế tri thức; về xã hội là sự chuyển đổi từ xã hội truyền thống nông nghiệp sang xã hội hiện đại, công nghiệp, tiên tiến; về ý thức công dân; xu thế toàn cầu hóa, thế giới đa cực, sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0...

2. Truyền bá rộng rãi những giá trị mới của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy bản sắc, văn hóa dân tộc, chú trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên về bản lĩnh chính trị, văn hóa của con người Việt Nam. Đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, làm cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thấm nhuần truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng của dân tộc.

3. Yêu cầu các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức và toàn dân phải nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tập trung xây dựng con người Đồng Nai phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh việc bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức, đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Đồng Nai thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng chính trị, đổi mới nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa, nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Tập trung quán triệt các tiêu chí xây dựng con người Việt Nam và con người Đồng Nai phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn. Các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp và các tổ chức, đoàn thể tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu quê hương Đồng Nai, giáo dục nâng cao lòng tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống hơn 320 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

b) Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học nhằm xây dựng con người có thể giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, biên soạn chương trình giáo dục chính trị, quốc phòng - an ninh trong các cấp học, trình độ đào tạo; gắn công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường với đnh hướng, hành vi, nhân cách với thực hiện quyền con người và nghĩa vụ công dân; gắn đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức tổ chức dạy văn hóa, lịch sử trong trường phổ thông với giáo dục giá trị văn hóa, lịch sử, địa lý tỉnh Đồng Nai; gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

c) Tổ chức các sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình nhằm khơi dậy niềm tự hào, phát huy bản sắc, truyền thống đoàn kết, truyền thống đấu tranh cách mạng của mảnh đất miền Đông gian lao mà anh dũng nói chung và của Đảng bộ, Nhân dân Đồng Nai nói riêng.

2. Tích cực tuyên truyền, xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự tôn và chấp hành pháp luật; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, làm tha hóa con người.

a) Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, văn minh; ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết thương yêu nhau làm cho gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Hàng năm duy trì và nâng cao chất lượng việc tuyên dương và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu để các gia đình trong toàn tỉnh học tập, noi theo.

b) Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong nhà trường; xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội; xây dựng mỗi trường học trên địa bàn tỉnh thật sự trở thành một trung tâm văn hóa giáo dục mẫu mực, rèn luyện các thế hệ học sinh về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống và các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước.

c) Tiếp tục nhân rộng điển hình trong phong trào thi đua yêu nước, tuyên dương gương “Người tốt, việc tốt” trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đồng thời tích cực đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu, chống các quan điểm và hành vi sai trái, tiêu cực. Góp phần ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội; hạn chế, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

d) Đẩy mạnh cải cách nền hành chính nhà nước, công khai quy trình làm việc và người chịu trách nhiệm giải quyết công việc; rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về công chức, viên chức, có hình thức khen thưởng kịp thời đối với những gương người tốt, việc tốt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

3. Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho Nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

a) Chú trọng đầu tư, xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo tính đồng bộ và phát huy hiệu quả các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; quan tâm đầu tư, nâng cấp các trạm truyền thanh xã, phường, thị trấn để đáp ứng tốt nhiệm vụ thông tin, truyền thông tại cơ sở. Hỗ trợ phát triển văn hóa đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn và một số loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên người làm công tác văn hóa cơ sở, nhất là nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc, có nhiều đóng góp vào việc bảo tồn, truyền dạy, phát huy văn hóa dân gian truyền thống trên địa bàn tỉnh. Đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào các trường học để di sản văn hóa phi vật thể ngày càng lan tỏa và thấm sâu vào mỗi con người Đồng Nai. Phát huy tốt giá trị các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt để trở thành những sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng vừa phục vụ giáo dục truyền thống, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.

b) Khắc phục tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận Nhân dân, nhất là tầng lớp thanh niên, thiếu niên.

c) Chủ động mở rộng hợp tác giao lưu văn hóa, tiếp thu có chọn lọc văn hóa vùng, miền và văn hóa thế giới làm cho hoạt động văn hóa Đồng Nai ngày càng phong phú, đa dạng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên và khách du lịch.

d) Phát triển, nâng cao chất lượng phong trào hoạt động thể dục thể thao; chú trọng các giải pháp nâng cao thể lực, tầm vóc con người Đồng Nai. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên đảm bảo duy trì và nâng cao thành tích thể thao. Sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật và huy động xã hội hóa phục vụ phát triển thể dục thể thao. Tổ chức tốt các giải thi đấu quốc tế, quốc gia và khu vực nhất là các môn thể thao thế mạnh của tỉnh.

đ) Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”.

e) Tập trung xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thể dục thể thao như: Kế hoạch tổ chức tháng hành động thể dục thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020 - 2030; Kế hoạch triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030; Hướng dẫn tổ chức Đại hội thể dục thể thao các cấp và Đại hội thể dục thể thao tỉnh Đồng Nai lần thứ IX năm 2021 - 2022.

4. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. Triển khai thực hiện tốt các quy định về văn hóa trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.

a) Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa có kế hoạch triển khai thực hiện tốt các quy định về văn hóa trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và cả hệ thống chính trị - xã hội. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, khu dân cư, tổ dân phố,... không có tệ nạn xã hội. Từng bước xây dựng đô thị văn minh, khu dân cư an toàn, không có tổ chức tội phạm, không có hành vi cướp giật và không có người lang thang, ăn xin.

b) Xây dựng văn hóa trong tín ngưỡng, tôn giáo nhằm phát huy những giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo với tinh thần tốt đời, đẹp đạo phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, lưu giữ, phát triển những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Đồng Nai nói riêng trong hội nhập và phát triển.

[...]