Kế hoạch 85/KH-UBND năm 2024 tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2024-2025

Số hiệu 85/KH-UBND
Ngày ban hành 04/04/2024
Ngày có hiệu lực 04/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Phước Hiền
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 04 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TẠI NGUỒN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2024-2025

Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại các Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 về hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt và số 1786/BTNMT-KSONMT ngày 22/3/2024 về triển khai một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định số 238/QĐ-UBND ngày 05/4/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025 với các nội dung như sau:

I. Mục đích, yêu cầu, mục tiêu

1. Mục đích

- Tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thực hiện; giảm tối đa lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phải xử lý theo phương án chôn lấp trực tiếp tại các bãi rác, giảm diện tích chôn lấp; tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước triển khai phân loại CTRSH đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh (ưu tiên triển khai trước đối với những khu vực có đủ điều kiện về hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH) theo quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường bắt đầu từ ngày 01/01/2025 và theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

- Từng bước kiện toàn hệ thống, mạng lưới thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý tái chế chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại tại nguồn theo quy định.

- Xác định cụ thể nội dung công việc và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong triển khai phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ và hiệu quả.

2. Yêu cầu

- Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cần phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia và phù hợp với nguồn lực tài chính của địa phương.

- Thực hiện phân loại CTRSH đồng bộ từ thành thị đến nông thôn theo lộ trình ưu tiên từ khu vực thuận lợi đến khu vực khó khăn; ưu tiên tái chế, tái sử dụng, xử lý tại chỗ đối với các khu vực miền núi cao, điều kiện giao thông khó khăn, cách trở.

- Việc thực hiện kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn được xem là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó UBND các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội (đặc biệt là Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh) giữ vai trò then chốt; đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia vào công tác phân loại CTRSH tại nguồn.

- Các cơ quan, đơn vị Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống Nhà nước phải tiên phong, gương mẫu thực hiện nghiêm túc việc phân loại CTRSH tại nguồn; đồng thời tham gia tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, hộ gia đình, cá nhân nơi cư trú cùng thực hiện.

3. Mục tiêu

a) Năm 2024

Tất cả các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn đều ban hành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, tập kết, xử lý, tái chế CTRSH phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

b) Năm 2025

- 100% các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định.

- Ít nhất 60% số hộ đô thị, 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại rác thải tại nguồn.

II. Nội dung thực hiện

1. Hướng dẫn công tác phân loại, lưu chứa, chuyển giao, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH

1.1. CTRSH được phân loại, lưu chứa, chuyển giao phù hợp với mục đích quản lý, xử lý và phạm vi thực hiện như sau:

TT

Loại chất thải

Thành phần

Phạm vi thực hiện

Ghi chú

Nhóm 1

Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế

Giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện, điện tử thải bỏ

Triển khai đồng bộ trên toàn địa bàn tỉnh

1. Các hộ gia đình, cá nhân tự trang bị các bao bì, vật dụng thông thường để lưu chứa chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế đảm bảo đủ khả năng lưu chứa và không gây ô nhiễm môi trường.

2. Khuyến khích chủ nguồn thải tái sử dụng, tái chế hoặc thu gom tối đa lượng chất thải phát sinh để bán phế liệu.

3. Trường hợp chủ nguồn thải không tái sử dụng, tái chế, bán phế liệu thì chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH.

Nhóm 2

Chất thải thực phẩm

Thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng, các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn, các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản.

Tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương

1. Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi.

2. Trường hợp không tận dụng được chất thải thực phẩm thì lưu chứa cùng các loại CTRSH khác để chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH.

Nhóm 3

Chất thải rắn sinh hoạt khác

Các chất thải rắn sinh hoạt còn lại

Tùy theo hạ tầng kỹ thuật xử lý CTRSH và điều kiện của từng địa phương, UBND cấp huyện có thể chọn phương án phân loại CTRSH khác thành 01 (một) hoặc nhiều hoặc toàn bộ trong số các nhóm 3.1, 3.2, 3.3 bên dưới.

3.1

Chất thải nguy hại

- Bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, axit thải, dung môi thải, kiềm thải, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại, bình gas mini từ hoạt động sinh hoạt; sơn, mực, chất kết dính (loại có các thành phần nguy hại trong nguyên liệu sản xuất); găng tay, giẻ lau dính dầu, hóa chất; kim tiêm, khẩu trang, bông băng bị nhiễm khuẩn từ người bệnh phải bảo đảm được đựng, chứa trong vật đựng, túi, bao bì để an toàn, tránh phát tán chất thải nguy hại ra ngoài môi trường; thu, xếp gọn các vật sắc nhọn (như kim tiêm) để tránh gây thương tích trong quá trình phân loại, thu gom và xử lý.

- Các loại bóng đèn huỳnh quang thải; thủy tinh hoạt tính thải; nhiệt kế chứa thủy ngân đảm bảo thải không đập vỡ, trường hợp bị vỡ thì lưu giữ bảo đảm an toàn tránh gây thương tích, ngăn ngừa phát tán thủy ngân trong quá trình phân loại, thu gom và xử lý.

Các loại pin, ắc quy thải phải giữ nguyên hình dạng, không tháo rời.

3.2

Chất thải cồng kềnh

- Tủ, bàn ghế, sofa, giường, nệm, cũ hỏng; tủ sắt, khung cửa, cánh cửa phải được thu gọn, giảm kích thước, thể tích. Trường hợp tháo dỡ thì chất thải sau đó được phân loại vào các nhóm chất thải tương ứng.

- Cành cây, gốc cây to phải được thu gọn, giảm kích thước, thể tích.

3.3

Chất thải khác còn lại

- Vỏ các loại hạt như macca, óc chó, hạt điều, dừa, vỏ trứng, xơ dừa, rơm, trấu từ hoạt động sinh hoạt; chiếu cói; chiếu tre, trúc; gối mây, tre; lông gia súc, gia cầm; bã các loại: cà phê, trà (túi trà), bã mía, xác mía, cùi bắp; chất thải từ làm vườn từ hộ gia đình như lá, rễ, cành cây nhỏ, cỏ, hoa phải được thu gọn, giảm kích thước, thể tích.

- Phân động vật cảnh; xác động vật cảnh chết không do dịch bệnh phải chứa trong vật đựng kín, không rò rỉ, ngăn ngừa phát tán mùi.

- Tã, bỉm, băng, giấy vệ sinh, giấy ăn đã sử dụng; giấy ướt đã sử dụng; bông tẩy trang, khẩu trang; các loại hộp xốp; các loại sản phẩm nhựa sử dụng một lần; bã kẹo cao su, đầu lọc thuốc lá; bóng bay, băng keo dán, tăm bông tai, tăm chỉ kẽ răng; vỏ thuốc phải được thu gọn, giảm kích thước, thể tích, bảo đảm tránh rơi vãi.

- Giày, dép nhựa, thước kẻ, muôi (vá), thìa (muỗng) bằng nhựa; bút, bật lửa đã hết gas, bàn chải đánh răng, vỏ tuýp, hộp kem đánh răng; các loại nhựa thải khác phải được bó gọn.

- Vỏ cứng các loài thủy, hải sản; xỉ than từ hoạt động sinh hoạt; gốm, sành, sứ thải phải được thu gọn, giảm thể tích, bảo đảm tránh rơi vãi và các loại chất thải còn lại phải được bó gọn.

1.2. Về việc lưu chứa chất thải rắn khu vực công cộng:

- Trong các khu thương mại, quảng trường, công viên, khu vui chơi giải trí, điểm tập trung dân cư, đầu mối giao thông và các khu vực công cộng khác, bố trí 02 loại thùng rác (có dán nhãn, ghi chú thành phần chất thải giúp người dân dễ nhận biết, phân loại) để lưu chứa 02 loại chất thải là: CTRSH có khả năng tái sử dụng, tái chế[1] và CTRSH khác.

- Các thiết bị lưu chứa CTRSH phải có kích cỡ phù hợp với thời gian lưu giữ, đảm bảo môi trường và mỹ quan đô thị.

- Địa điểm bố trí các thùng rác công cộng do UBND cấp xã xác định.

[...]
11
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ