Kế hoạch 62/KH-UBND năm 2024 thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 62/KH-UBND
Ngày ban hành 07/03/2024
Ngày có hiệu lực 07/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Chí Giang
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 62/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 07 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TẠI NGUỒN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020;

Căn cứ Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 05/5/2023 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 05/5/2023 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về việc thông qua Đề án xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030;

Căn cứ Quyết định số 38/2022/QĐ-UBND ngày 15/11/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc ban hành một số quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Căn cứ Quyết định số 3235/QĐ-UBND ngày 26/11/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2680/QĐ-UBND ngày 29/12/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng mô hình “Làng Văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”;

Căn cứ Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt;

Để đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đồng bộ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch thực hiện với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhằm đảm bảo chậm nhất đến ngày 31/12/2024 toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều được phân loại tại nguồn;

- Tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm loại bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải của các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; giảm thiểu tối đa lượng chất thải phải xử lý tại khu xử lý tập trung, góp phần giảm thiểu chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý;

- Bước đầu triển khai thực hiện tại huyện Yên Lạc, huyện Vĩnh Tường và các “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kết quả triển khai sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh phải đảm bảo thực hiện đồng bộ, theo đúng hướng dẫn, phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương;

- UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, tổ chức liên quan chuẩn bị đầy đủ về phương thức, nguồn lực để triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đảm bảo đáp ứng với quy định tại Điều 75 của Luật Bảo vệ môi trường trước ngày 01/01/2025;

- Việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại phải đảm bảo tách riêng từng loại chất thải (03 loại) sau khi đã thực hiện phân loại tại nguồn theo đúng hướng dẫn trong Kế hoạch này.

II. NỘI DUNG VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Nội dung thực hiện

1.1. Về chính sách

- Xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xử lý CTRSH một cách bền vững và hiệu quả; trong đó, ưu tiên cho các nhà đầu tư có áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

- Ban hành đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích CTRSH sau phân loại.

- Áp dụng các chế tài xử lý đối với các chủ nguồn thải trong hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.

1.2. Về công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng

- Đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt về thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn các cấp; trong đó, phát huy vai trò tham gia tuyên truyền của Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân... để tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình, tổ chức, cá nhân;

- Việc tuyên truyền, giáo dục cộng đồng cần được các cấp, các ngành, các tổ chức Hội, đoàn thể thực hiện liên tục, xuyên suốt và lâu dài;

[...]