Kế hoạch 85/KH-UBND năm 2020 về Tái đàn gắn với tái cơ cấu chăn nuôi heo sau dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi giai đoạn 2020-2025 do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 85/KH-UBND
Ngày ban hành 06/04/2020
Ngày có hiệu lực 06/04/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Nguyễn Thanh Hùng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 85/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 06 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TÁI ĐÀN GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU CHĂN NUÔI HEO SAU DỊCH BỆNH DỊCH TẢ HEO CHÂU PHI GIAI ĐOẠN 2020 - 2025

Thực hiện Hướng dẫn 4249/HD-BNN-TY ngày 18/6/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) về kiểm soát vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Công văn số 5329/BNN-CN ngày 25/7/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Công văn số 13/BCĐDTLCP ngày 19/12/2019 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi về tái đàn trong chăn nuôi lợn (heo); Công văn số 1964/BNN- TY ngày 18/3/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học; Công văn số 1965/BNN-TY ngày 18/3/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tổ chức hướng dẫn tái đàn, tăng đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học; Quyết định số 212/QĐ-UBND-HC ngày 04/3/2020 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về việc công bố hết dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch Tái đàn gắn với Tái đàn gắn với tái cơ cấu chăn nuôi heo sau dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) giai đoạn 2020 - 2025, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Kiểm soát bệnh DTHCP, thực hiện tái đàn heo góp phần ổn định sản xuất, đảm bảo cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

- Tái đàn heo, phải gắn với tái cơ cấu chăn nuôi heo; tổ chức lại sản xuất, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, chuyển sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, đáp ứng các điều kiện về an toàn sinh học (ATSH), hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Từ năm 2020, giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng dần số cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn (tối thiểu từ 50 con đối với heo sinh sản, 100 con đối với heo thịt).

- Đến năm 2025, có ít nhất 30% số hộ chăn nuôi lớn (tối thiểu từ 50 con đối với heo sinh sản, 100 con đối với heo thịt) đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về ATSH, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

- Từng bước phục hồi tỷ trọng của ngành chăn nuôi (phấn đấu giá trị sản xuất hàng năm khoảng 2.352 tỷ đồng, bằng 95,8% so với thực hiện năm 2018 và tăng 10,3% so với thực hiện năm 2019, tương ứng tăng 219 tỷ đồng).

II. NỘI DUNG TÁI ĐÀN HEO, GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU CHĂN NUÔI HEO

1. Nguyên tắc tái đàn, gắn với tái cơ cấu chăn nuôi heo

- Mỗi cơ sở chăn nuôi thực hiện tái đàn với số lượng khoảng 10% (nuôi chỉ báo) tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở có quy mô nuôi trên 100 con heo ở một thời điểm hoặc nuôi không quá 10 con đối với cơ sở có quy mô nuôi từ 100 con trở xuống. Theo dõi, giám sát chặt chẽ số heo nuôi chỉ báo trong khoảng thời gian ít nhất 30 ngày. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh DTHCP, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở.

- Tổ chức, cá nhân chăn nuôi heo chịu sự quản lý, định hướng của ngành chuyên môn trong việc tái đàn, gắn với tái cơ cấu sản xuất; tuân thủ điều kiện về ATSH, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường theo quy định. Không được tái đàn khi chưa bảo đảm các điều kiện cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi và điều kiện bảo vệ môi trường…

2. Điều kiện tái đàn, gắn với tái cơ cấu chăn nuôi heo

2.1. Điều kiện vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường

- Tổ chức, cá nhân thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi với Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, phường, thị trấn trước khi tái đàn (làm cơ sở thống kê đàn, tổ chức theo dõi, giám sát bệnh) và định kỳ hàng quý (từ ngày 25 đến ngày 30 của tháng cuối quý) thực hiện kê khai theo biểu mẫu quy định (Phụ lục 1). Trường hợp không kê khai sẽ không được hỗ trợ thiệt hại khi xảy ra dịch bệnh.

- Thực hiện đăng ký các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định tại Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND ngày 20/3/2019 của Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) đối với hoạt động sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (viết tắt là Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND).

- Cơ sở chăn nuôi phải có tường, rào bao quanh, đảm bảo an toàn cho khu vực chăn nuôi. Có biện pháp ngăn chặn côn trùng, gặm nhấm tránh mang mầm bệnh vào trong chuồng trại chăn nuôi; có hố tiêu độc, khử trùng ở lối ra, vào; có khu vực cách ly để kiểm soát, vệ sinh, tiêu độc khử trùng con người và phương tiện trước khi ra, vào trại.

- Thường xuyên thực hiện vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi, máng ăn, dụng cụ chăn nuôi. Ghi chép các hoạt động chăn nuôi, quản lý dịch bệnh, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

- Khu vực chăn nuôi còn quỹ đất dự phòng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra, buộc phải tiêu hủy.

2.2. Điều kiện về con giống

Chọn mua con giống rõ nguồn gốc ở các cơ sở chăn nuôi có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch và kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh DTHCP đối với các trường hợp mua con giống ngoài Tỉnh.

2.3. Điều kiện về chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý - giám sát dịch bệnh

- Thực hiện quy định về tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm cho đàn vật nuôi (Dịch tả cổ điển, Phó thương hàn, Tụ huyết trùng, Tai xanh, LMLM và E. coli...).

- Hàng ngày, thực hiện việc vệ sinh chuồng nuôi, máng ăn, dụng cụ chăn nuôi; có biện pháp ngăn chặn côn trùng, loài gặm nhấm để tránh mang mầm bệnh từ ngoài vào trong chuồng, trại nuôi heo. Ghi chép các hoạt động chăn nuôi, quản lý dịch bệnh, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

- Bổ sung chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho đàn heo; thường xuyên theo dõi, giám sát sức khỏe đàn heo.

[...]