Kế hoạch 847/KH-UBND năm 2014 rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 847/KH-UBND
Ngày ban hành 17/03/2014
Ngày có hiệu lực 17/03/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Cao Khoa
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 847KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 17 tháng 03 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

RÀ SOÁT, GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO PHỨC TẠP, TỒN ĐỌNG VÀ TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, Kế hoạch số 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 01/3/2012 về thực hiện các biện pháp phòng ngừa phát sinh và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát các vụ tồn đọng, kéo dài trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; đã giao nhiệm vụ cho Thanh tra tỉnh chủ trì cùng các ngành, địa phương phối hợp với Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ rà soát tồn đọng; ủy quyền cho Chánh Thanh tra tỉnh thành lập Tổ công tác của tỉnh về kiểm tra, rà soát và tham mưu xử lý các vụ việc đông người, bức xúc; có Quyết định số 1233/QĐ-UBND ngày 05/9/2013 về việc thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu lực và trách nhiệm của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và tổ chức nhiều hội nghị, có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý liên quan thực hiện trách nhiệm, thẩm quyền của thủ trưởng các cơ quan hành chính trong tỉnh về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhờ đó công tác phòng ngừa phát sinh khiếu nại, tố cáo đã được quan tâm tăng cường; công tác xử lý các vụ tồn đọng, kéo dài đã đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh cũng còn những tồn tại, hạn chế như:

- Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác khiếu nại, tố cáo chưa được thường xuyên, sâu sát nên một số nội dung chỉ đạo chậm được triển khai thực hiện, thực hiện không đầy đủ.

- Nhận thức về pháp luật khiếu nại, tố cáo của nhân dân và một bộ phận đáng kể cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế, ý thức tuân thủ pháp luật trong khiếu nại, tố cáo chưa tốt.

- Việc củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo dù đã được quan tâm, nhưng thực tế còn nhiều hạn chế, biên chế làm công tác này ở nhiều cơ quan còn thiếu nhưng chậm được quan tâm bổ sung.

- Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo chung của tỉnh có cải thiện, tuy nhiên một số cấp, ngành vẫn còn thấp hơn mục tiêu 85% theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ; việc vi phạm thời hạn giải quyết còn diễn ra phổ biến ở cả 03 cấp và chậm được khắc phục; chất lượng giải quyết ở một số địa phương vẫn còn chưa đảm bảo, một số vụ việc giải quyết kéo dài nhiều năm.

- Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã nhiều nơi chưa thực hiện tốt trách nhiệm chủ trì đối thoại với nhân dân nơi xảy ra vụ việc để nghiên cứu xem xét thấu đáo sự việc; còn đùn đẩy cho cấp phó, cho cấp dưới đối thoại.

- Trách nhiệm của các cơ quan phối hợp trong giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, đông người, những vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài còn yếu, thiếu sự chủ động, chậm thực hiện các công việc theo yêu cầu, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, còn chậm trong tổ chức thực hiện dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài trên địa bàn.

- Các biện pháp phòng ngừa phát sinh khiếu nại, tố cáo chỉ dừng ở mức triển khai bước đầu, một số địa phương còn lúng túng trong việc cụ thể hóa các biện pháp phòng ngừa phù hợp ở cấp mình, hiệu quả trên thực tế còn thấp, các lĩnh vực có nguy cơ phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý chậm được khắc phục, chấn chỉnh.

Tiếp theo Kế hoạch số 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 về tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Để thực hiện Kế hoạch số 2100/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ, cùng với việc triển khai các biện pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 06 năm thực hiện Thông báo kết luận số 130-TB/TW ngày 10/01/2008 của Bộ Chính trị, tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ tại Hội nghị công tác ngành Thanh tra năm 2013 và chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ tại Hội nghị công tác khiếu nại, tố cáo ngày 27/02/2014 tổ chức tại thành phố Hồ chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng và thực hiện các biện pháp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài để hạn chế phát sinh các điểm nóng phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

b) Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tiếp tục chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp, các ngành trong quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo cũng như trong giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền.

2. Yêu cầu

a) Kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng và thực hiện các biện pháp chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Thủ trưởng các cấp, các ngành.

b) Đảm bảo phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh với UBND các huyện, thành phố nhằm trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc để thống nhất biện pháp giải quyết; cơ quan hành chính các cấp tăng cường thông tin, phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.

c) Gắn trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp, các ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo với việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ để bình xét thi đua khen thưởng hàng năm.

II. NỘI DUNG

1. Đối với các vụ việc đã kiểm tra, rà soát theo Kế hoạch số 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012 của Thanh tra Chính phủ

Tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật đối với các vụ việc đã rà soát, thống nhất hướng xử lý với Thanh tra Chính phủ theo Kế hoạch số 1130:

a) Chánh Thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại Quyết định số 1233/QĐ-UBND ngày 05/9/2013 về việc thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các Quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.

b) Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố rà soát, tham mưu các phương án tổ chức thực hiện quyết định giải quyết và thủ tục để chấm dứt xem xét giải quyết đối với các vụ việc đã có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật.

c) Hoàn thành công tác rà soát, báo cáo và tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý các vụ việc nêu trên chậm nhất trong quý II/2014.

2. Đối với giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền

a) Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, lập danh mục các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của mình đã phát sinh nhưng chưa được thụ lý hoặc đã thụ lý nhưng chưa giải quyết, trên cơ sở đó lập kế hoạch chi tiết để tập trung giải quyết. Kế hoạch giải quyết phải thể hiện rõ các nội dung: họ tên người khiếu nại; tóm tắt nội dung khiếu nại, tố cáo; ngày tháng phát sinh; ngày tháng và văn bản thụ lý; văn bản chỉ đạo, đôn đốc của UBND tỉnh (nếu có); người hay cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh; thời hạn xác minh; các vướng mắc và biện pháp để xử lý vướng mắc (nếu có); dự kiến thời gian ban hành quyết định giải quyết. Trong đó lưu ý ưu tiên giải quyết trước các nhóm sau: vụ đã phát sinh từ 03 tháng trở lên; vụ việc có đông người tham gia; vụ việc có văn bản đôn đốc nhắc nhở của Ủy ban nhân dân tỉnh và vụ việc do Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên chuyển đến. Kế hoạch giải quyết phải gửi Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) trước ngày 10/4/2014 để theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện.

[...]