Kế hoạch 83/KH-UBND thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 83/KH-UBND
Ngày ban hành 22/05/2023
Ngày có hiệu lực 22/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Nguyễn Tuấn Hà
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 83/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 22 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP) NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Căn cứ Quyết định số 919/QĐ-TTg, ngày 01/08/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 148/QĐ-TTg, ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm;

Căn cứ Quyết định số 04/QĐ-BCĐTW-VPĐPNTM, ngày 12/10/2022 của Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 24/12/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 1576/QĐ-UBND, ngày 18/7/2022 về việc phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk;

Căn cứ Quyết định số 58/QĐ-UBND, ngày 12/01/2023 của UBND tỉnh về Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 13/01/2023 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình công tác năm 2023.

Căn cứ Quyết định số 656/QĐ-UBND, ngày 07/4/3023 của UBND tỉnh về Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 - 2025;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

a. Về phát triển sản phẩm: Rà soát, tập trung củng cố, duy trì ổn định trên 85% số sản phẩm OCOP giai đoạn 2018-2020;

Phát triển, công nhận/chứng nhận cho khoảng 40 - 50 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; phấn đấu ít nhất 01 sản phẩm tiềm năng 05 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia.

b. Phát triển chủ thể kinh tế OCOP: Củng cố, phát triển các chủ thể kinh tế tham gia OCOP Đắk Lắk (Doanh nghiệp, HTX, THT, Hộ sản xuất - kinh doanh có đăng ký kinh doanh).

c. Xúc tiến thương mại: Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP Đắk Lắk. Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển thương hiệu, trong phân phối, tiếp thị sản phẩm, qua đó nâng cao doanh số bán hàng OCOP của các chủ thể kinh tế.

d. Phát triển nguồn nhân lực: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ nhà nước trong hệ thống OCOP (tỉnh, huyện, xã) và các chủ thể kinh tế tham gia chương trình OCOP.

e. Hình thành, triển khai một số Dự án/sản phẩm chủ lực theo hướng liên kết trong sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị (bao gồm cả sản xuất và dịch vụ).

III. MỘT SỐ NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành thực hiện Chương trình OCOP

- Thường xuyên rà soát, kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP để đảm bảo công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm hoạt động có hiệu quả và đúng quy định.

- Điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ triển khai Chương trình OCOP phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, Chương trình OCOP là một giải pháp then chốt gắn kết ch t ch với Chương trình MTQG xây dựng NTM.

2. Công tác quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình, đưa Chương trình OCOP vào kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm để triển khai thực hiện có hiệu quả; Phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội với thực hiện Chương trình theo từng nội dung cụ thể; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức kinh tế tham gia góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đã đề ra.

3. Công tác thông tin, tuyên truyền

[...]