Kế hoạch 82/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới do tỉnh Bình Định ban hành

Số hiệu 82/KH-UBND
Ngày ban hành 14/10/2020
Ngày có hiệu lực 14/10/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Phi Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/KH-UBND

Bình Định, ngày 14 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 17/CT-TTG NGÀY 13/4/ 2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới (sau đâu gọi tắt là Chỉ thị 17), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 17 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Phổ biến, quán triệt nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị 17 trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

- Phân công trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở; phân công nhiệm vụ cụ thể và cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1. Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

- Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm về quản lý ATTP theo đúng quy định của pháp luật. Nghiên cứu, xây dựng Đề án tổng thể đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh; đưa tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể về công tác bảo đảm ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành, phân công cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị; tổ chức kiểm tra, kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện định kỳ hàng năm; kịp thời xử lý dứt điểm các điểm nóng về ATTP được dư luận xã hội, người tiêu dùng quan tâm, phản ánh trên địa bàn. Người đứng đầu các địa phương, đơn vị từ cấp tỉnh tới cơ sở phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong quản lý ATTP.

- Tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP các cấp, xây dựng quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm các thành viên và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thành viên nhằm phát huy tối đa hiệu quả quản lý, đặc biệt là trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong công tác đảm bảo ATTP.

2. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm

- Các sở, ban, ngành, UBND các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm về ATTP, đặc biệt ở cấp huyện, cấp xã.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm nắm bắt, phát hiện, ngăn chặn, điều tra và xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về ATTP, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong quản lý ATTP.

3. Thực hiện công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về ATTP. Đổi mới hình thức nội dung truyền thông trong công tác ATTP phù hợp với từng vùng miền, từng đối tượng, chú trọng truyền thông về trách nhiệm quản lý, đảm bảo ATTP, thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm và sử dụng dịch vụ thực phẩm. Nâng cao số lượng, chất lượng tài liệu, sản phẩm truyền thống.

- Biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác ATTP và công khai tổ chức, cá nhân vi phạm qui định về ATTP.

- Thông tin rộng rãi, dễ tiếp cận số điện thoại đường dây nóng và đầu mối tiếp nhận, xử lý tố giác, phản ánh của tổ chức/cá nhân về các hành vi vi phạm ATTP; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin của các cơ quan quản lý từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.

4. Thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ATTP

- Thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính về ATTP; thực hiện các thủ tục hành chính về ATTP thông qua dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho các tổ chức/cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

- Nghiên cứu, xây dựng và ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin tiên tiến, đồng bộ để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về ATTP; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về ATTP và ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh. Thông tin rộng rãi các nội dung của ứng dụng công nghệ thông tin để người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cùng khai thác, sử dụng.

5. Xây dựng, phát triển nguồn thực phẩm an toàn

- Tiếp tục tập trung mở rộng quy hoạch vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm ATTP, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP); thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, phân phối thực phẩm an toàn. Tăng cường quản lý bảo đảm ATTP đối với các làng nghề thực phẩm, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm.

- Triển khai Chương trình kết nối sản xuất và tiêu thụ thực phẩm an toàn; phát huy hiệu quả Chương trình OCOP; áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ quản lý chất lượng ATTP, khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký sở hữu công nghiệp, phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương.

- Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về ATTP: Chợ đảm bảo vệ sinh ATTP; sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn; mô hình điểm bếp ăn tập thể ATTP; thức ăn đường phố; các cơ sở dịch vụ ăn uống khu du lịch bảo đảm ATTP; thúc đẩy, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: GMP, SSOP, Viet GAP, HACCP...

6. Bố trí nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

- Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hiện có của Trung ương, của tỉnh liên quan đến đảm bảo ATTP, đồng thời tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, cần thiết, góp phần đẩy mạnh việc đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

- Ưu tiên nguồn lực và bố trí kinh phí phù hợp cho công tác quản lý ATTP. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, phương tiện làm việc, dụng cụ để kiểm tra, kiểm soát thực phẩm cho các ngành chức năng, các đơn vị cấp huyện, cấp xã nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về quản lý ATTP.

[...]