Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 82/KH-UBND năm 2018 thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025, theo Quyết định 78/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Số hiệu 82/KH-UBND
Ngày ban hành 03/05/2018
Ngày có hiệu lực 03/05/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Mai Anh Nhịn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 03 tháng 5 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA NHẰM NGĂN CHẶN, GIẢM THIỂU VÀ LOẠI BỎ KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY ĐỊNH ĐẾN NĂM 2025, THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 78/QĐ-TTG NGÀY 16/01/2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Thực hiện Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 16/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025. Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. QUAN ĐIỂM

- Khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định làm suy giảm, cạn kiệt nguồn lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại và hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng trên trường quốc tế. Tỉnh Kiên Giang không dung túng, bao che, khuyến khích hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) ở các vùng biển trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan gây ra, gắn liền với đặc trưng nghề cá trong tỉnh có quy mô nhỏ, hoạt động nghề lưới kéo chiếm phần lớn nên việc xử lý phải phù hợp, có trách nhiệm, nhân đạo, nhất là cần phải có thời gian vận động giáo dục ngư dân kết hợp với xử phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

- Kiểm soát chặt chẽ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định sẽ góp phần bảo vệ, duy trì nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh; đảm bảo nghề cá phát triển hiệu quả, an toàn, bền vững góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh quốc gia trên các vùng biển.

II. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU

1. Mục tiêu

Ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác IUU của tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trên vùng biển Kiên Giang, nhằm thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế; chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Kiên Giang khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các nước.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch phải đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, gắn với việc thực hiện nghiêm các nội dung Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010, Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017, Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 2937/CT-UBND ngày 29/12/2017 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại tỉnh.

- Các sở, ban ngành và chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân của tỉnh khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu theo Kế hoạch đề ra.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và năng lực tuân thủ pháp luật của ngư dân về tác hại của khai thác IUU đối với sự phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản, quy định có liên quan về khai thác IUU và những nội dung mới của Luật Thủy sản cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan quản lý thủy sản; các sở, ngành, chính quyền địa phương, chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, chủ cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản...

- Xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài hoặc môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép... tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ

a) Nhiệm vụ tập trung thực hiện giai đoạn 2018-2020

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010, Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017, Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 2937/CT-UBND ngày 29/12/2017 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại tỉnh Kiên Giang; Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 05/3/2018 của UBND tỉnh, về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu.

- Tăng cường các giải pháp tổng thể; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, ở cảng cá, bến cá và chợ cá; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và vùng biển quốc tế.

- Xây dựng cơ chế chịu trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố để xảy ra tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở nước ngoài.

- Điều tra, xác minh, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài, hoặc môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép.

- Kiện toàn lực lượng kiểm ngư, thanh tra chuyên ngành để tăng cường năng lực tuần tra, kiểm soát, thanh tra tàu cá, xử lý vi phạm pháp luật trên các vùng biển, tại các cảng cá, chợ cá.

- Tăng cường năng lực kiểm soát, thanh tra tàu cá, xác nhận sản lượng lên bến tại các cảng cá, bến cá đảm bảo sản lượng khai thác lên bến được kiểm soát và xác nhận nguồn gốc tại cảng và kiểm soát chặt chẽ (số lượng, chủng loại, xuất xứ) các lô hàng thủy sản nhập khẩu.

- Xây dựng hệ thống thông tin giám sát tàu cá hoạt động trên biển (tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần cho tàu khai thác hải sản xa bờ); xây dựng lộ trình bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tất cả các tàu cá hoạt động xa bờ, vận hành thiết bị giám sát hành trình kết nối với trạm bờ của Chi cục Thủy sản 24/24 giờ theo quy định; bắt buộc chủ tàu cá hoạt động trên biển hoặc thuyền trưởng phải thực hiện ghi nhật ký khai thác, nhật ký tàu dịch vụ; báo cáo khai thác, dịch vụ theo quy định.

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai và tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng trung tâm nghề cá lớn, cảng cá và các hệ thống dịch vụ hậu cần tại Cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, đáp ứng nhu cầu hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, tàu cá cập bến, lên cá.

- Phối hợp các Bộ, ngành hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá theo hướng tích hợp các thông tin về đăng ký tàu thuyền, hoạt động khai thác, sản lượng lên bến.

[...]