Kế hoạch 81/KH-UBND phát triển hạ tầng giao thông vận tải thành phố Hà Nội, giai đoạn 2011- 2015

Số hiệu 81/KH-UBND
Ngày ban hành 10/06/2011
Ngày có hiệu lực 10/06/2011
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Văn Khôi
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 81/KH-UBND

Hà Nội, ngày 10 tháng 06 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG VẬN TẢI THÀNH PHỐ HÀ NỘI, GIAI ĐOẠN 2011- 2015

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XV và Chương trình công tác của Thành ủy (khóa XV) về Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường, để triển khai Kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông vận tải thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015 đã được Ban Thường vụ Thành ủy kết luận tại Hội nghị ngày 25/5/2011, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng kế hoạch như sau:

Phần thứ nhất.

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2006 – 2010 VÀ HIỆN TRẠNG HẠ TẦNG GIAO THÔNG VẬN TẢI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2006 – 2010

Trong 5 năm qua (2001 – 2006), Thành phố đã quan tâm chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP, Nghị quyết 32/2007/NQ-CP, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ và kế hoạch số 32, Kế hoạch số 62 của UBND Thành phố với 7 nhóm giải pháp cơ bản. Tập trung đầu tư, phát triển và quản lý hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, có những bước chuyển biến tích cực.

Trên cơ sở định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Thành phố triển khai nghiên cứu quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải, Quy hoạch phát triển vận tải thủy, Quy hoạch phát triển vận tải Đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời, huy động nguồn vốn đầu tư thực hiện các đề án, kế hoạch, dự án có tính cấp thiết nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc về giao thông đô thị, phát triển giao thông nông thôn theo chương trình phát triển nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 và định hướng đến năm 2030 trong chương trình công tác của Thành ủy và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải và an toàn giao thông, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải; đẩy mạnh tuyên truyền và kiểm tra xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông v.v… góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Nhiều công trình giao thông đã được xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả như: Đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa; nút ngã tư Sở; nút ngã tư Vọng; cầu Vĩnh Thụy; Vành đai 3 (cầu Thanh Trì – Mai Dịch); Đại lộ Thăng Long; đường 32 (Nhổn – Sơn Tây và Sơn Tây – Trung Hà); cầu Vĩnh Tuy; hầm Kim Liên; đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài; Đường Lạc Long Quân; Cầu Tó; Cầu Bươu; Đường Nguyễn Phong Sắc (đoạn Xuân Thủy – Tô Hiệu); Đường Phúc La – Văn Phú; Đường trục phía Bắc Hà Đông; đường Lê Văn Lương kéo dài; Đường chợ 19/12; đường 77; Đường 73 (Ba Thá – Miếu Môn); Cầu Đen; cầu Phùng; Đường 74; Cầu Phùng Xá; Cầu Hòa Thạch; đường 78; đường 75B; đường 88; đường 80; Đường 21B; các cầu cho người đi bộ và nhiều tuyến đường chính liên Huyện, liên xã và đường trong các khu đô thị mới …. Tiếp tục thực hiện đường vành đai 1, vành đai 3 trên cao, đường Văn Cao – hồ Tây, Thái Hà – Láng v.v…

Mạng lưới giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư; Tính đến nay, tổng số km đường giao thông nông thôn đã được phủ mặt (mặt đường nhựa, bêtông xi măng, lát gạch … ) đạt 8.043,1 km, chiếm 62,13%.

Thực hiện duy tru, duy trì đảm bảo an toàn giao thông 1.614,7 km đường và cầu. Đã hoàn thành công tác tiếp nhận và đưa vào quản lý, duy tu hơn 160km đường, cầu do Bộ Giao thông vận tải bàn giao quản lý như đường quốc lộ 2, 3, 6, 32, 21, đường Bắc Thăng Long – Nội Bài, Đại lộ Thăng Long, đường vành đai 3 đoạn Khuất Duy Tiến – Linh Đàm, cầu Phùng, một số cầu và hầm đi bộ …

Triển khai các giải pháp tổ chức giao thông như: tăng cường lực lượng phân luồng giao thông, tổ chức giao thông linh hoạt các nút, điều chỉnh chu ký đèn tín hiệu giao thông, bổ sung biển báo, kẻ sơn tổ chức giao thông, điều chỉnh dải phân cách tại các nút giao; qua đó bước đầu đem lại hiệu quả.

Kết quả trên đây đã góp phần giảm ùn tắc cục bộ 66/124 điểm; hàng năm giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí.

Nhiều điểm đỗ xe và bến xe quy mô lớn đã hoàn thành đưa vào sử dụng như: Bến xe Yên Nghĩa (7.0ha); điểm đỗ xe Dịch Vọng (diện tích 15.279m2, sức chứa 230 xe); điểm đỗ xe Gia Thụy (diện tích 12.933 m2, sức chứa 180 xe) và nhiều điểm đỗ xe, trông giữ xe khác đã góp phần giải quyết một phần nhu cầu đỗ xe ngày càng cao của nhân dân.

Hoạt động vận tải hành khách công cộng đã có sự phát triển nhanh chóng. Từ năm 2001, dịch vụ xe buýt đã có những bước phục hồi rất nhanh (số lượng xe buýt tăng từ 237 xe và vận chuyển khoảng 19,7 triệu lượt hành khách năm 2001 lên 1145 xe và vận chuyển được 422 triệu lượt khách năm 2010, đáp ứng được 8-9% nhu cầu đi lại của nhân dân). Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh cũng ngày càng phát triển, đã đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của nhân dân (đến năm 2010 có khoảng 500 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, vận chuyển được 54.5 triệu lượt khách mỗi năm).

II. ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG HẠ TẦNG GIAO THÔNG VẬN TẢI

1. Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn nhiều bất cập và yếu kém, thiếu một mạng lưới khung hoàn chỉnh về hạ tầng giao thông vận tải. Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông quá thiếu (hiện tại chỉ chiếm khoảng 7 – 8% đất xây dựng đô thị), trong khi đó mức yêu cầu hợp lý cho một đô thị hiện đại là từ 20 – 26% (theo quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, chỉ tiêu này là 20 - 25%). Mặt cắt ngang đường phần lớn là hẹp (mặt cắt ≥ 11m chỉ chiếm khoảng 30% và có quá nhiều nút giao đồng mức. Mạng lưới giao thông đường bộ chưa hoàn thiện, hoàn chỉnh để kết nối liên thông để tạo thành mạng lưới chính đồng bộ; các tuyến Vành đai chưa hoàn chỉnh và khép kín.

2. Phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh, góp phần ùn tắc giao thông. Hệ thống bến bãi, điểm đỗ xe thiếu về số lượng và chất lượng dịch vụ chưa cao, phân bố không đều và hợp lý (mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu giao thông tĩnh).

Hệ thống vận tải hành khách công cộng chưa phát triển (chỉ có loại hình xe buýt và mới đáp ứng được 8-9% nhu cầu đi lại), số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng rất nhanh (15% năm).

3. Việc phát triển đô thị chưa đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông vận tải, nhiều khu vực xây dựng thêm nhiều chung cư nhưng mạng lưới đường không phát triển tăng thêm, nhiều khu đô thị mới xây dựng chưa có hệ thống giao thông hoàn chỉnh kết nối với mạng lưới đường hiện có, thiếu các cầu vượt sông, hoặc có cầu nhưng tải trọng thấp chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông đi lại của nhân dân, nhất là ở một số khu vực các huyện ngoại thành.

4. Tổng chiều dài hệ thống giao thông nông thôn và nội đồng trên địa bàn Thành phố là 12.946,5 km. Tuy nhiên, còn lại 4.903,4 km đường đất và đường cấp phối chưa cứng hóa.

(Phụ lục 1: Hiện trạng mạng lưới giao thông vận tải thành phố Hà Nội)

Phần thứ hai.

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG VẬN TẢI GIAI ĐOẠN 2011 – 2016 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

I . ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH

Sự phát triển kinh tế - xã hội ở tốc độ cao, quá trình đô thị hóa nhanh chóng trên địa bàn Thủ đô tác động mạnh tới sự phát triển các phương tiện giao thông, yêu cầu phải phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố.

Quy hoạch chung phát triển Thủ đô Hà Nội đang trong giai đoạn trình phê duyệt và một số quy hoạch chuyên ngành khác như: quy hoạch phát triển giao thông vận tải; quy hoạch phát triển vận tải thủy; quy hoạch phát triển vận tải đường sắt; quy hoạch các bến bãi đỗ xe; quy hoạch vận tải hành khách công cộng đang trong quá trình lập, điều chỉnh, nên ảnh hưởng đến triển khai kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.

Nhiều công trình đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả, một số dự án giao thông quan trọng có tính chất quyết định và tạo sự đột phá cho mạng lưới giao thông vận tải Thủ đô, đã chuẩn bị đầu tư và đang triển khai theo tiến độ hoàn thành trong 05 năm tới tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư cho phát triển giao thông vận tải Thủ đô (cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đường nối Nhật Tân – Nội Bài, các tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lào Cai …; triển khai các tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, Cát Linh – Hà Đông, Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo).

[...]