Quyết định 3953/QĐ-UBND năm 2016 Đề án Phát triển hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, hình thành mạng lưới giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 3953/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/08/2016
Ngày có hiệu lực 17/08/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Huỳnh Thanh Điền
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3953/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 17 tháng 8 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG HOÀN CHỈNH, HÌNH THÀNH MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG KẾT NỐI CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM CỦA TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2016-2020.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 18/12/2015 của Ban Chấp hành Đảng Bộ tỉnh về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 2470/TTr.SGTVT-KHTH ngày 16/8/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: “Đề án Phát triển hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, hình thành mạng lưới giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Thanh Điền

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG HOÀN CHỈNH, HÌNH THÀNH MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG KẾT NỐI CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM CỦA TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3953/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2016 của UBND tỉnh Nghệ An)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN

I. THỰC TRẠNG

1. Hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông:

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 của tỉnh đã được thông qua tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII là: “Ưu tiên nguồn lực cho 3 vùng kinh tế trọng điểm để tạo thành các cực tăng trưởng gồm: (1)- Phát triển thành phố Vinh - thị xã Cửa Lò - các huyện đông nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ - Bắc Hà. (2)- Phát triển vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ. (3)- Phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An, trọng điểm vùng là vùng Tân Kỳ - Đô Lương - Nghĩa Đàn - Thái Hòa - Quỳ Hợp”. Hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp và các cụm công nghiệp đã được quy hoạch, phân bổ đều trên toàn bộ địa bàn tỉnh, cụ thể: Khu kinh tế Đông Nam đã được Chính phủ phê duyệt (gồm 05 khu công nghiệp: Hoàng Mai; Đông Hồi; Nam Cấm; Thọ Lộc; VSIP) và 6 Khu công nghiệp ngoài khu kinh tế Đông Nam là: Nghĩa Đàn; Sông Dinh; Tân Kỳ, Bắc Vinh; Tri Lễ và Phủ Quỳ; Về Cụm công nghiệp, toàn tỉnh có 47 cụm công nghiệp, phân bổ đều ở 21 huyện, thành, thị và các nhà máy khác nằm ngoài các khu công nghiệp.

Hiện nay việc kết nối bằng đường bộ giữa các vùng kinh tế trọng điểm trên địa bàn tỉnh cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, kết nối thông qua các tuyến quốc lộ như: Quốc lộ 1, quốc lộ 7, quốc lộ 7B; quốc lộ 15, quốc lộ 46, quốc lộ 48, quốc lộ 48B, quốc lộ 48C, quốc lộ 48D, quốc lộ 48E… và các tuyến đường tỉnh như ĐT 532, ĐT.533, ĐT.537B, ĐT.531B, ĐT 535, ĐT 536, ĐT 542… Tuy nhiên, thời gian vừa qua do phương tiện giao thông tăng nhanh, một số tuyến đường được xây dựng đã lâu, quy mô còn nhỏ nên khả năng kết nối các vùng chưa cao, dễ gây ra ùn tắc cục bộ và làm hạn chế đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hệ thống đường sắt trên địa bàn tỉnh có nhiều đường ngang dân sinh và các giao cắt cùng mức, nhiều đoạn bán kính nhỏ dẫn đến bị hạn chế tốc độ chạy tàu và có nguy cơ mất an toàn giao thông.

Hệ thống các cảng biển trên địa bàn tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng như Cảng Cửa Lò, Cảng The Vissai, Cảng Đông Hồi, cảng xăng dầu ĐKC… góp phần đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển.

Hệ thống đường thủy nội địa phân bố đều toàn tỉnh, tuy nhiên các tuyến sông trên địa bàn có độ dốc dọc lớn, nhiều bãi bồi. Do vậy, vận tải chủ yếu các đoạn tuyến gần biển và tại các cửa sông nên giao thông đường thủy nội địa không phải là thế mạnh.

1.1. Hiện trạng các tuyến đường bộ:

- Quốc lộ: Có 14 tuyến với tổng chiều dài là 1.655,95km. Trong đó, 727km đường bê tông nhựa chiếm 44%, 920km đường láng nhựa chiếm 55% và 19km đường cấp phối chiếm 1%.

Thời gian qua đã được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ GTVT, hệ thống quốc lộ trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đầu tư nâng cấp, mở rộng như: QL1, QL46B đoạn tránh TP Vinh, QL15 đoạn qua khu di tích Truông Bồn, QL46 đoạn Cửa Lò đi TP Vinh, QL48, QL48B đoạn km0-km12,… góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa, đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó do nguồn vốn khó khăn nên một số đoạn tuyến chưa hoàn thành đúng tiến độ hoặc chưa được đầu tư nâng cấp như: QL7 đoạn km0-km36 (tạm dừng), QL15 đoạn Tân Kỳ đi Đô Lương và đoạn Đô Lương đi Nam Đàn, QL48C, QL48E....

- Đường tỉnh: Có 16 tuyến với tổng chiều dài 242,82 km, Trong đó 114,42km đường bê tông nhựa chiếm 47,12%; 123,04 km đường đá dăm và đá dăm láng nhựa chiếm 50,67%; 5,36 km đường Bê tông xi măng chiếm 2,21%. Các tuyến đường cơ bản đáp ứng cơ bản khả năng vận chuyển và kết nối của các phương tiện vận tải.

[...]